Lo thực phẩm tết

15/12/2017 | 07:52 GMT+7

Gần đến Tết Nguyên đán, vấn đề về an toàn thực phẩm lại trở thành nỗi trăn trở lớn của người tiêu dùng.

Ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn lựa thực phẩm uy tín, có thể truy xuất được nguồn gốc, độ an toàn cao.

Đầu tháng 11 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hậu Giang phối hợp với một số đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất kinh doanh chà bông của bà Hồ Thị Tuyết Phương, ở ấp Phú Quới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, qua đây phát hiện nhiều lỗi vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hồ sơ công bố chất lượng; hồ sơ công bố, giấy công bố hợp quy; các hóa đơn, chứng từ hàng hóa nguyên liệu phụ gia; chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan thuộc lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và môi trường…

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thời điểm kiểm tra, cơ sở có 6 lao động tham gia sản xuất trực tiếp nhưng chưa xuất trình được sổ khám sức khỏe định kỳ và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Cơ sở không thực hiện treo bảng hiệu, không niêm yết giá bán hàng hóa tại điểm sản xuất kinh doanh, điều kiện vệ sinh tại cơ sở chưa đảm bảo. Đoàn phát hiện và lập biên bản thu giữ các can nhựa chứa dung dịch màu đen, trắng; các chất phụ gia đóng gói, bước đầu chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm kể trên.

Đến chiều ngày 20-11, qua xử lý, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức tiêu hủy 5.644kg sản phẩm bị tịch thu do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm bao gồm 4 loại chà bông thành phẩm với trọng lượng 3.364kg, bột gia vị 2.280kg, hóa chất, chất phụ gia và chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc, chưa có hồ sơ công bố và hóa đơn chứng từ kèm theo. Tất cả các sản phẩm này được Chi cục Quản lý thị trường và ngành chức năng có liên quan cho tiến hành chôn lấp tại bãi rác ở thị xã Long Mỹ. Ngành chức năng đã kịp thời phanh phui, mạnh tay xử lý vi phạm, ngăn chặn trước khi sản phẩm chế biến mất an toàn vệ sinh đến tay người tiêu dùng.

Tết Nguyên đán hàng năm, các tiểu thương tranh thủ chuẩn bị nguồn sản phẩm phục vụ người tiêu dùng từ sớm. Lượng hàng hóa lớn từ khắp nơi đổ về các chợ đầu mối, sau đó được phân phối đi nhiều chợ nông thôn. Bất kỳ người nội trợ nào cũng mong muốn phục vụ mâm cơm gia đình thật tươm tất, đáp ứng yêu cầu ăn ngon, an toàn, hợp vệ sinh. Thực tế, dù khâu chế biến được chăm chút kỹ lưỡng đến đâu, nhưng người nội trợ vẫn canh cánh mối lo bởi không thể biết được mỗi loại rau, quả, thịt, cá mua từ chợ liệu có an toàn.

Tìm về các khu chợ trên địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy, chúng tôi hỏi thăm các tiểu thương về chuyện lấy hàng, nhiều người chỉ trả lời đơn giản là: “Mối quen, gọi điện thoại đặt số lượng sẽ có xe chở hàng giao tận nơi, bỏ giá sỉ”. Chị Nguyễn Thị Chi, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, than thở: “Mỗi dịp tết chợ thì đông, hàng hóa bày nhiều, bắt mắt. Mua thì cứ mua chứ không biết được xuất xứ. Chọn rau, quả, thịt đem về tôi rửa lại bằng nước muối rồi mới chế biến để an tâm được phần nào. Hàng ngày đi chợ cũng vậy, cứ nhìn những bắp cải bung to, những bó rau tươi tốt là tôi không lấy. Gia đình chỉ chuộng mua rau vườn hoặc những loại rau quả trông bề ngoài không quá bắt mắt”.

Có thể thấy, những lo lắng của người tiêu dùng hoàn toàn có căn cứ, bởi hàng hóa, nông sản trông đẹp mắt nhưng đôi khi cả người bán cũng không biết nó đến từ đâu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn của xã hội. Ở Hậu Giang, đặc thù các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, không tập trung nên công tác quản lý đối với các cơ sở này còn khó. Vài năm gần đây, ngành chức năng phát hiện các vụ thực phẩm không an toàn bày bán trên thị trường như gà, vịt nhiễm bột sắt; da trâu, lòng ngâm chất tẩy trắng; trâu, bò, heo bơm nước; nguyên liệu sản xuất bì, da hư hỏng bốc mùi… Bên cạnh đó, những vi phạm về an toàn thực phẩm tinh vi hơn, ngành chức năng ngày càng khó phát hiện, nhất là các dịp lễ tết. Còn người tiêu dùng cũng không dễ dàng nhận biết được chất lượng thực phẩm bằng mắt thường.

Ngoài công tác thanh, kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở thì dịp lễ, Tết Nguyên đán hàng năm, đơn vị Quản lý thị trường, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đều có kế hoạch thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đây kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm và có giải pháp xử lý theo quy định pháp luật, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

“Trong dịp tết truyền thống, lượng sản phẩm trên thị trường rất lớn, cơ quan quản lý nhà nước cần nhân lực, thời gian để kiểm tra giám sát thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn. Góc độ người tiêu dùng cần chọn lựa thực phẩm uy tín, có thể truy xuất được nguồn gốc, độ an toàn cao, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình. Tránh mua thực phẩm giá rẻ, trôi nổi, nguy cơ mất an toàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, khuyến cáo.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>