Lo với “cơn sốt” mít Thái

15/08/2018 | 08:01 GMT+7

Từ Tết Nguyên đán năm 2018 đến nay, giá mít Thái siêu sớm thường xuyên lên “cơn sốt”. Mít được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg. Thấy lời nên nhiều nhà vườn mở rộng diện tích, không theo quy hoạch.

Mít Thái sốt giá khiến nhà vườn mở rộng diện tích không theo quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Từ 3 năm gần đây, diện tích mít Thái ở huyện Châu Thành tăng vọt với con số từ trên 100ha (năm 2015) lên 1.200ha. Sở dĩ diện tích mít Thái tăng nhanh là do loại cây này dễ trồng, mau cho trái, năng suất cao, ít sâu bệnh. Đối với cây mít Thái siêu sớm trồng 3-4 năm tuổi có thể cho năng suất khoảng 30 tấn/ha, với giá bán cao như hiện nay, trừ hết chi phí và công chăm sóc nhà vườn thu nhập khoảng 500-800 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với thời điểm cách nay 2 năm trở về trước. Bên cạnh đó, những vườn cam sành sai trái nơi đây đã dần lụi tàn nên nhiều nông dân đã nhanh chóng chuyển hướng sang trồng mít Thái. Ông Nguyễn Văn Biểu, ở ấp Long Lợi, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho hay: “Năm nay, xung quanh ấp tôi, nhiều hộ mua cây giống, mở rộng diện tích trồng mít Thái. Thấy mít cao giá nên ai cũng đua nhau trồng. Riêng tôi đã có 2ha mít, vì tuổi già nên không quán xuyến nổi nên không thể mở thêm diện tích”.

Cũng theo ông Biểu, mít Thái cho thu hoạch quanh năm. Mấy năm gần đây, nhà vườn trồng mít Thái nào cũng hốt bạc khi một trái mít 10-15kg có giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi trái mít thu về từ 400.000-800.000 đồng/trái. Việc trồng mít chạy theo phong trào đã từng gặp nhiều rủi ro với điệp khúc “được mùa mất giá”. Bởi thực tế trước đây, có thời điểm giá mít giảm xuống còn 5.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn vẫn không mảy may gia tăng diện tích. Bởi theo bà con, chi phí để đầu tư cho mít không nhiều nên khi giá thấp không thua lỗ bao nhiêu. Vả lại, chỉ cần 1 vụ trúng giá thì vẫn gỡ gạc lại được vốn. Đánh giá về vấn đề giá cả, lão nông có lịch sử trồng mít lâu năm Lương Văn Tám, ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Giá mít trồi sụt thất thường nhưng bà con cũng không lo ngại lắm. Cây mít Thái ít bị sâu bệnh mà nông dân cũng có cách phòng là bao trái, chi phí không tốn kém bao nhiêu”.

Thực tế đã cho kết quả và ở 2 địa phương này, các lãnh đạo huyện cũng khẳng định rằng mít Thái đang là cây xóa đói giảm nghèo. Theo ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành thì 2 năm gần đây, mít Thái giúp nhiều hộ nông dân của huyện thoát nghèo. Thu nhập trung bình của người dân cũng tăng từ hơn 30 triệu đồng lên 42 triệu đồng/người/năm, nhất là tại địa bàn xã Phú An, Đông Phước A. Tuy nhiên, mít Thái không được chọn là cây trồng trong danh mục quy hoạch nông nghiệp của huyện. Nhưng đây là nguồn sống của bà con nông dân hiện nay nên huyện cũng không ngăn cản, cũng như không khuyến khích nhân rộng diện tích.

Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Việt nhìn nhận: Mít Thái đang trở thành cây chủ lực của xã thay cho cam sành. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ồ ạt trồng rồi chặt bỏ như những bài học của cam, bưởi, xã vẫn luôn chỉ đạo Hội Nông dân, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con trồng an toàn, không nên gia tăng diện tích và vẫn khuyến cáo thực hiện theo quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, ngành chức năng vẫn khuyến cáo bà con chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp theo quy hoạch của ngành là trồng cam, chanh không hạt. Bên cạnh đó, đơn vị còn đưa ra định hướng lâu dài vì từ nay đến năm 2020 cây cam sẽ có giá trở lại. Ngành cũng đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật theo dõi, duy trì vườn cam sành, chanh không hạt chất lượng và tìm nguồn cây giống sạch bệnh cho bà con khi có nhu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cũng không phủ nhận các nhà vườn trồng mít Thái ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành... đang có thu nhập cao vì giá loại nông sản này đang đạt kỷ lục. Vào vụ mít này những năm trước, giá mít chỉ dao động quanh mức 20.000-25.000 đông/kg, nhưng thời điểm hiện giờ giá mít đã tăng gấp đôi. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhận định: Mít Thái đang rộ vì giá cả, nhưng chủ yếu là được xuất tươi nên thị trường xuất khẩu chỉ chừng mực. Mùa mưa, trái hay bị xơ đen nhưng chưa có thuốc trị, chỉ có cách phòng tránh là bao trái bằng túi nilông nhưng chi phí lớn, kỳ công nên khó áp dụng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo 2 đơn vị này tiếp tục khuyến cáo nông dân trồng chanh không hạt theo quy hoạch. Bởi thị trường chanh còn rất tiềm năng và có thể trữ lâu nên xuất khẩu được nhiều nước trên thế giới.

Tuy mít Thái đang là cây trồng chiếm ưu thế trên “mặt trận” giá cả thị trường so với các loại nông sản khác, nhưng cũng cần phải xem lại bài học về cây cam sành thời điểm năm 2015. Lúc đó, giá cam sành có lúc lên hơn 40.000 đồng/kg, nhiều nông dân đã bỏ lúa, chặt bưởi để lên liếp trồng cam, dẫn đến tình trạng diện tích cam sành tăng nhanh và cũng mau lụi tàn vì bệnh vàng lá gân xanh, giá cả cũng theo đà giảm xuống. Thiết nghĩ, bà con nông dân nên có cách nhìn chín chắn hơn về việc nhân rộng diện tích loại cây này. Bởi thị trường xuất khẩu mít Thái chỉ quanh quẩn ở Trung Quốc nhưng không có một hợp đồng cụ thể hay một điểm tựa nào vững chắc. Vì thế, nhà vườn nên rút kinh nghiệm từ bài học của cam sành để không ồ ạt làm theo cảm tính mà giữ vững diện tích để có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình một cách lâu dài.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>