Lo với giá vật tư nông nghiệp

18/12/2018 | 08:45 GMT+7

Hiện nay, nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh sau khi nông dân xuống giống lúa Đông xuân 2018-2019 được vài ngày tuổi thì cũng là lúc thị trường vật tư nông nghiệp có nhiều biến động theo hướng bất lợi đối với bà con.

Giá các loại phân bón đang tăng đã tạo áp lực không nhỏ cho nông dân vào thời điểm này.

Giá vật tư nông nghiệp tăng

Qua ghi nhận tại một số cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì hiện giá các loại phân bón tăng từ 10-25% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là loại phân Urê, với 25%; còn các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 3-5%. Cụ thể, phân Urê Phú Mỹ có giá 440.000 đồng/bao (loại 50kg), đạm Cà Mau có giá 340.000 đồng/bao (tại đại lý cấp I), DAP 665.000 đồng/bao, thuốc diệt cỏ mầm có giá khoảng 170.000 đồng/chai, thuốc xử lý giống có giá 8.000 đồng/chai…

Nhận định về nguyên nhân giá phân tăng trong lúc này, ông Mai Thanh Lê, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Lê Lai, ở ấp Trường Hưng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Vào đầu vụ xuống giống lúa Đông xuân năm nay, nguồn cung của loại phân Urê ít hơn so với cùng kỳ do có một số nhà máy còn đang trong quá trình sửa chữa nên các cửa hàng nhập hàng về ít, trong khi nhu cầu của bà con lại rất cần để bón phân đợt đầu sau 7-10 ngày gieo sạ, từ đó dẫn đến giá bán cao. Còn đối với thuốc bảo vệ thực vật thì giá bán cũng không ổn định, có khi tăng, khi giảm nhưng mức độ không quá lớn”.

Theo nhiều cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho vụ lúa Đông xuân hay các vụ lúa khác trong năm thì mỗi cửa hàng đều có bước nhập hàng về kho trước khoảng một tháng so với lịch thời vụ xuống giống của nông dân. Mặt khác, với tâm lý sợ giá bán tăng vào thời gian cao điểm nên không ít bà con có điều kiện về mặt tài chính thường mua phân, thuốc trước để dự trữ sẵn trong nhà cho cả vụ nên vào thời điểm này thì chỉ còn vài hộ đi mua phân, thuốc mà thôi.

Ông Trương Văn Thình, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Thành Tuyền, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Lúc này cũng có người đi mua phân bón nhưng chỉ rải rác, bà con chủ yếu đi mua thuốc diệt cỏ mầm, ốc bươu vàng, bọ trĩ… là nhiều. Bởi trước khi xuống giống khoảng 10 ngày thì nông dân đã chuẩn bị phân bón sẵn nên kho phân của tôi bây giờ không còn hàng bao nhiêu”.

Giải pháp của nông dân

Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp đang tăng, nhất là phân bón, để phần nào giảm chi phí trong sản xuất thì hiện nhiều bà con có cách làm riêng của mình. Đang rải phân cho 1,2ha lúa vừa xuống giống được hơn 10 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Toàn, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Năm nay, tôi và nhiều nông dân ở cánh đồng này hạn chế mua phân trộn sẵn từ các công ty mà mua riêng lẻ một vài loại rồi đem về tự trộn lại với nhau. Với cách làm này thì giá thành rẻ hơn so với phân trộn sẵn, đồng thời cũng dễ dàng giảm đi một số loại phân không cần thiết trong giai đoạn lúa còn nhỏ, trong khi mua phân trộn sẵn thì không thể nào lựa ra được”.

Để giảm gánh nặng giá phân bón, nông dân đang áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng và tự trộn phân để bón cho lúa.

Ngoài việc tự trộn phân bón thì nhiều nông dân còn mạnh dạn giảm một ít lượng phân bón trong đợt bón lần đầu khi thấy cây lúa phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Sỹ, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Năm nay, nhờ có lũ lớn nên mang về một lượng phù sa dồi dào trên đồng ruộng, từ đó mà cây lúa đang phát triển tốt, nở bụi nhanh dù tôi giảm 2-3kg phân bón/công trong lần bón đầu tiên. Ngoài ra, mọi năm thường 20 ngày sau sạ tôi mới tiến hành giặm lúa nhưng năm nay chưa được 15 ngày là tôi đã giặm”. Cách ruộng ông Sỹ không xa, ông Lê Thanh Hùng, ở cùng ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, chia sẻ: “Thấy lúa xanh tốt ngay đầu vụ nên bà con cũng không dám rải phân nhiều vì sợ lúa dễ bị nhiễm bệnh, dịch hại tấn công. Mặt khác, năm nay do bà con giảm lượng lúa giống trong gieo sạ nên phần nào kéo theo giảm được lượng phân bón và điều này đồng nghĩa với việc giảm chi phí trước tình hình giá phân đang ở mức cao. Mong rằng, giá phân trong thời gian tới sẽ hạ nhiệt để bà con an tâm vào những đợt bón tiếp theo trong vụ lúa này”.

Ông Lê Thanh Triều, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, đồng thời chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp khi nông dân vào vụ sản xuất lúa Đông xuân, hiện đơn vị phối hợp với các cơ quan liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn tiến hành nhắc nhở một số cửa hàng về điều kiện kinh doanh, khắc phục tình trạng cân quá hạn kiểm định, không bán thuốc hết hạn sử dụng… Việc kiểm tra lần này đã góp phần tạo sự an tâm hơn cho nông dân khi sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp.    

Qua thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến ngày 17-12, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 50.500ha lúa Đông xuân 2018-2019 (kế hoạch 79.000ha). Hiện lúa tập trung ở giai đoạn mạ (với hơn 44.000ha), còn lại là ở giai đoạn đẻ nhánh. Bà Nguyễn Thanh Thúy, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Nhờ được bà con chăm sóc kỹ và thời tiết thuận lợi nên những diện tích lúa Đông xuân đã xuống giống đang phát triển tốt, ít dịch hại tấn công. Tuy nhiên, trước tình hình không khí lạnh và sáng sớm có nhiều sương mù như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương trong tỉnh cần phối hợp chặt với nông dân trong việc thăm đồng thường xuyên để kiểm tra và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa, nhất là rầy nâu hay bệnh đạo ôn lá có thể xuất hiện trong lúc này... 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>