Nâng giá trị chanh không hạt

18/01/2018 | 08:06 GMT+7

Theo đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa” do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, vốn ít. Tại Hậu Giang, đề án cũng được phát triển với việc xây dựng chuỗi giá trị cho chanh không hạt, đang hứa hẹn nhiều triển vọng.

Theo đề án của Liên minh HTX Việt Nam, chanh không hạt sẽ được sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô lớn với vốn đầu tư khoảng 7 tỉ đồng.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, lợi ích của thành viên, phát triển chuỗi giá trị sản xuất bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 1-2016 đến 12-2017; giai đoạn 2 từ tháng 1-2018 đến 12-2020. Tại Hậu Giang, đề án được triển khai phát triển các sản phẩm HTX có thế mạnh, phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, đó là chanh không hạt. Bởi cây chanh cho giá trị kinh tế và được nhiều nhà nông lựa chọn canh tác nhiều năm qua.

Bước đầu, đề án đã đến khảo sát thực địa triển khai chuỗi giá trị của HTX trồng chanh không hạt, vùng nguyên liệu chanh không hạt tại huyện Châu Thành. Đề án sẽ thực hiện chuỗi giá trị chanh không hạt tại Liên hiệp HTX Nông nghiệp Châu Thành, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh. Riêng HTX Nông nghiệp Thạnh Phước có diện tích canh tác 97ha, có dây chuyền sơ chế chanh, nhà kho 350m2, 2 nhà luới 500m2, vườn ươm cây giống 4.500m2. Mấy năm nay, HTX đã ký kết nhiều hợp đồng cung ứng chanh trái không hạt cho các công ty trong và ngoài nước gồm: Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Công ty Sam San Thành phố Hồ Chí Minh... sản lượng cung ứng bình quân 5 tấn trái/ngày. HTX còn đứng ra bao tiêu chanh trái khoảng 2.500 tấn, doanh thu ước đạt 25 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, cho hay: “Trong năm 2017, HTX đã ký hợp đồng trung gian với Công ty TNHH XNK Mekong Lime, tỉnh Long An, xuất trực tiếp ra nước ngoài, bình quân khoảng 3 ngày/container 25 tấn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xuất, HTX phải ký gửi hàng tại kho của công ty và HTX phải trả phí ký gửi, làm giảm giá trị của sản phẩm so với HTX tự bảo quản nếu HTX có kho lạnh dự trữ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để đầu tư thêm máy móc thiết bị như mở rộng quy mô đóng gói, sơ chế. Ngoài ra, nguồn vốn thu gom chanh không hạt bị hạn chế, dịch vụ phân bón cho thành viên HTX và bà con nông dân chưa được phát triển. Bởi diện tích chanh không hạt toàn huyện đã tăng gấp chục lần so với 5 năm trước, lên gần 900ha. Sắp tới, sản lượng đặt hàng và cung ứng sẽ tăng nên rất cần mở rộng đầu tư, quy mô tồn trữ”.

Trước tiềm năng khá lớn của HTX, bà Phạm Thị Tố Oanh, Tổng Giám đốc Trung tâm các chương trình kinh tế xã hội Liên minh HTX Việt Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai “Chuỗi giá trị chanh không hạt tại Hậu Giang” đã đến khảo sát, triển khai kế hoạch năm 2018. Dự kiến trong năm nay, Trung tâm các chương trình kinh tế - xã hội sẽ triển khai các chương trình lồng ghép với chuỗi giá trị như nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, Quỹ cho vay giải quyết việc làm… Song song đó, mở lớp tập huấn kỹ năng canh tác chanh không hạt cho nhiều nông dân trong vùng đề án để nâng cao chất lượng, kiến thức, tạo thành công cho chuỗi giá trị.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Phó trưởng Tiểu ban chuỗi sản phẩm chanh không hạt Hậu Giang Trần Văn Thắng thì nhiều nhà khoa học, nông dân, các HTX cũng như hy vọng đề án này sẽ là cơn mưa chính sách, giải “cơn khát” vì lợi ích HTX, thành viên và nông dân. Nhất là khi đề án ra đời giữa bối cảnh HTX cứ ì ạch tự bơi trong dòng chảy thương trường suốt thời gian qua. Liên minh HTX Việt Nam xác định chuỗi giá trị sản phẩm có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong xu thế hội nhập xuất khẩu nông sản ngày càng lớn thì từng hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị, mà HTX cần phải liên kết lại mới đủ năng lực xuất khẩu nông sản và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Từ khi đề án khởi động đến nay, số tổ chức kinh tế và tổ chức nông dân tham gia trồng chanh không hạt tăng lên, tính tập trung cũng được thực hiện trong quá trình sản xuất, từ đó đời sống của nông dân trong các tổ chức kinh tế nâng lên rõ rệt, tuy rằng có lúc giá chanh không hạt giảm mạnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hơn 1 năm kể từ ngày ký ban hành đề án, nhưng tiến độ thực hiện chỉ mới dừng lại việc thành lập Ban chỉ đạo và các Tiểu ban xây dựng một số mô hình HTX kiểu mới. Nhất là kinh phí của chuỗi chưa có vì chưa được xây dựng cụ thể trong khi đầu năm 2018 đã bước vào giai đoạn 2 của đề án. Chính vì vậy, nhiều người mong rằng đề án nhanh chóng khởi động để “guồng máy” chuỗi giá trị được chạy trơn tru, giúp kinh tế tập thể của tỉnh nhà phát triển.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>