Nỗi lo đường tồn kho

12/06/2017 | 07:11 GMT+7

Hiện nay, các nhà máy đường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản kết thúc vụ ép mía 2016-2017 nên không còn lo về tình hình sản xuất. Tuy nhiên, với số lượng đường đang tồn kho khá lớn, giá bán giảm và tiêu thụ khó khăn đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất đường lo lắng.

Đường tồn kho đang là áp lực của Casuco cũng như các nhà máy đường khác trong lúc này.

Đường tồn kho kỷ lục

Ghi nhận tại Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) khi có hai đơn vị sản xuất đường trực thuộc đang đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là Xí nghiệp đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp, hiện toàn công ty còn tồn kho khoảng 20.000 tấn đường. Ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Đây là lượng đường tồn kho cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Thời gian qua, mặc dù công ty đã triển khai nhiều chương trình nhằm kích cầu thị trường nhưng tình hình không cải thiện nhiều.

Hiện nay, không chỉ có Casuco bị tồn kho đường mà hầu hết các công ty khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Qua thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện cả nước còn tồn kho khoảng 400.000 tấn đường, riêng vùng ĐBSCL còn tồn kho 60.000 tấn. Đây được xem là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Theo nhận định của các nhà máy đường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do đường nhập lậu tràn lan làm cho sức tiêu thụ đường sản xuất trong nước giảm. Bên cạnh đó, cũng có một vài nguyên nhân khác như: thời tiết năm nay ảnh hưởng lớn đến thời vụ, không ít nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn kế hoạch, thậm chí nhiều nhà máy không hoạt động được liên tục do không đủ nguồn mía nguyên liệu nên kéo theo kết thúc vụ ép trễ. Mặt khác, do giá đường trong nước hiện cao hơn đường nhập lậu từ 1.000-2.000 đồng/kg, từ đó khiến đường sản xuất trong nước khó cạnh tranh.

Mặc dù các nhà máy đường nhận định đường tồn kho nhiều như hiện nay là do đường nhập lậu làm chi phối sự tiêu thụ đường trong nước. Tuy nhiên, tình hình đường lậu chỉ xảy ra ở những địa phương khác, riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì chưa ghi nhận trường hợp vận chuyển, mua bán đường lậu. Ông Nguyễn Văn Bé Tư, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thông tin: Từ đầu năm đến nay, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, trong đó có mặt hàng đường lậu. Qua kiểm tra, không phát hiện trường hợp nào vận chuyển đường lậu vào địa bàn của tỉnh.

Bên cạnh công tác kiểm tra của ngành chức năng thì ý thức của người mua bán đường cũng nâng lên nên đường lậu phần nào hạn chế xâm nhập vào thị trường trong tỉnh. Qua khảo sát tại một số điểm bán tạp hóa trên địa bàn thành phố Vị Thanh thì tất cả đều bán đường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Đường lậu tuy giá rẻ hơn đường trong nước nhưng đường lậu thường có hạt rất nhuyễn và trắng tinh, người tiêu dùng sợ sử dụng hóa chất nhiều nên không ai dám mua mà hầu hết đều chọn đường có địa chỉ rõ ràng để an tâm. Chính vì vậy mà tôi và các cửa hàng nơi đây đều lấy và bán đường của Casuco là chính trong nhiều năm nay”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, chủ cửa hàng bán tạp hóa Thanh Thảo, ở khu vực 1, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ.

Giá bán giảm

Do lượng đường tồn kho lớn đã kéo theo giá bán giảm khoảng 1.000 đồng/kg (kể cả tại công ty và các điểm bán lẻ) so với thời điểm đầu tháng 5. Ghi nhận tình hình giá đường tại Casuco mới đây, hiện đường cát trắng loại 1 có giá 16.000 đồng/kg; còn tại các điểm bán tạp hóa thì đường loại 1 dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg, đường loại 2 ở mức 18.000 đồng/kg. Bà Kim Hồng, chủ cửa hàng bán tạp hóa tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Khoảng 2 tháng nay, giá đường tuy giảm xuống nhưng tình hình tiêu thụ rất chậm. Đường chủ yếu bán cho người dân đi chợ, còn cửa hàng hay quán cà phê thì ít thấy đến mua như thời điểm Tết Nguyên đán. Hy vọng tình hình tiêu thụ đường thời gian tới được thuận lợi hơn”. 

Việc tồn kho số lượng đường lớn, cộng với giá bán giảm và khó tiêu thụ khiến cho Casuco cũng như các nhà máy đường khác gặp nhiều khó khăn, nhất là sức ép tiêu thụ từ nay đến thời điểm bắt đầu vào niên vụ ép 2017-2018 (dự kiến cuối tháng 9). Nếu không giải quyết tốt thì các nhà máy đường tiếp tục gặp khó trong việc thu mua mía nguyên liệu. Bởi hiện nay, có không ít doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL đã công bố giá sàn bảo hiểm và tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân, điển hình là Casuco đã đưa ra mức giá sàn thu mua mía trong vụ thu hoạch sắp tới là 900 đồng/kg mía 10 chữ đường cân tại nhà máy, xí nghiệp.

Vì thế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đường, VSSA đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đề nghị Chính phủ có biện pháp ngăn chặn đường giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thuế suất nhập khẩu đường để bảo vệ hàng trong nước. Ngoài ra, các nhà máy đường mong muốn ngành chức năng địa phương cần siết chặt hơn công tác chống đường lậu tràn vào địa bàn mình quản lý. “Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho đường lậu”, ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, đề nghị.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>