Phập phồng với cá sấu tái đàn

24/07/2018 | 15:22 GMT+7

Sau 2 năm rớt thê thảm, hiện giá cá sấu bỗng nhiên bật tăng cao. Trong lúc người nuôi cá sấu đang phấn chấn với kế hoạch phát triển, tái đàn thì ngành chức năng lại lo lắng vì đầu ra và công tác quản lý.

Giá cá sấu thương phẩm tăng cao, người nuôi đang đẩy mạnh tái đàn. Ảnh: Trần Tuấn/ TTXVN

Được mệnh danh là thủ phủ của nuôi cá sấu, những ngày này, người dân ở huyện Định Quán (Đồng Nai) bỗng nhiên "xôm tụ" hẳn. Từ đầu làng cho đến cuối xóm đều bàn tán chuyện con cá sấu đang "hot" trở lại.

Theo đó, nếu như tỉnh Đồng Nai có tổng đàn cá sấu hơn 180.000 con thì huyện Định Quán nuôi nhiều nhất với hơn 320 trang trại, tổng đàn hơn 110.000 con. Thời điểm thị trường Trung Quốc hạn chế nhập, giá cá sấu lao dốc chỉ còn khoảng 100 hộ nuôi nhỏ lẻ với số lượng khoảng 100 con/hộ. Khi giá cá sấu bắt đầu tăng trở lại, rất nhiều hộ trên địa bàn huyện đã và đang đăng ký nuôi. Hiện rất nhiều trang trại ở đây đã sẵn sàng kinh phí từ nhiều nguồn, như vay mượn, tích luỹ... để ôm ấp giấc mộng làm giàu bằng nuôi cá sấu.

"Không như nhiều vật nuôi khác, con cá sấu ít dịch bệnh, dễ nuôi. Thức ăn cho chúng cũng rất dễ kiếm, chỉ là các phế phẩm động vật như đầu, nội tạng gà, heo, cá... và không cần chế biến, mua về ném vào là chúng tranh nhau ăn. Mỗi lứa cá sấu nuôi từ 18 tháng - 2 năm là có thể xuất chuồng. Với giá hiện tại, người nuôi có thể thu về lợi nhuận khoảng 800.000 đồng/con mà lại ít tốn công như những con vật nuôi khác", chị Đinh Hồng Nhung ở xã Phú Ngọc tính toán.

Còn tại huyện Phước Long, địa phương nuôi cá sấu đứng đầu tỉnh Bạc Liêu, người dân cũng "tưng bừng" với phong trào nuôi cá sấu. Khảo sát sơ bộ của ngành chức năng, hiện toàn huyện có khoảng 1.000 hộ nuôi với hơn 140.000 con cá sấu, trong đó hầu hết là cá sấu nuôi mới. Người dân tập trung nuôi cá sấu đã khiến giá con giống tăng cao "chóng mặt" từng ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm đến nay, giá cá sấu loại 1 (từ 8 đến 15 kg/con) từ 180.000 - 190.00 đồng/ kg; cá sấu loại 2 (từ 15 kg trở lên) hoảng 150.000 - 160.00 đồng/kg, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Với mức giá trên, người nuôi thu lãi từ 70.000-90000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù giá cá sấu đã ở mức hấp dẫn nhưng hiện lượng hàng xuất đi Trung Quốc không nhiều như thời gian trước, trong khi đây lại chính là thị trường trọng yếu. Vì vậy, chỉ cần thị trường này ngừng nhập hoặc có những động thái lũng đoạn giá, nguy cơ người nuôi sẽ gặp lại "vận hạn" 2 năm trước rất dễ dàng xảy ra. Riêng thị trường trong nước, số lượng tiêu thụ không nhiều, chỉ chủ yếu là cá sấu loại nhỏ để lấy da dùng trong ngành thời trang, như sản xuất ví da, dây lưng, đồ lưu niệm…

Ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh cho hay, việc phát triển số lượng cá sấu mà chưa có giải pháp kiểm soát cũng khiến nhiều người, đặc biệt cư dân trong vùng bất an. Nguyên nhân con cá sấu là loài động vật hoang dã, hung dữ mà lại được nuôi nhốt ngay trong khu dân cư dù việc quản lý chặt chẽ, từ khâu cấp giấy chứng nhận trại nuôi, kiểm tra cấp giấy tới khi các hộ dân được cấp giấy chứng nhận. Do đó, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn thường xuyên cho các chủ trại ký cam kết để đảm bảo an toàn trại nuôi, đảm bảo không có cá sấu xổng ra ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, khu vực ven hồ Trị An lại là vùng nuôi cá sấu tập trung nhiều nhất sẽ là mối nguy lớn nếu có sự cố xảy ra khiến cá sấu xổng chuồng.

"Thực tế hiện nay, phong trào nuôi cá sấu chủ yếu mang tính chất tự phát là chính. Vì vậy, đầu ra chỉ phụ thuộc vào thương lái và thành phần này mặc sức "làm mưa làm gió" với người nuôi. Đã đến lúc chúng ta phải bàn đến việc phát triển bền vững nghề nuôi cá sấu cũng như xây dựng các mối liên kết sản xuất- tiêu thụ trong nước, từng bước giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc", ông Lâm Tùng Quế nói thêm.

Theo Lê Nghĩa/Báo Tin Tức

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>