Sôi động thị trường cây giống

13/07/2017 | 07:29 GMT+7

Cũng như mọi năm, khi thời tiết xuất hiện mưa nhiều thì không ít nhà vườn trên địa bàn tỉnh tất bật sửa sang mặt liếp và cải tạo lại đất để chuẩn bị trồng các loại cây ăn trái. Lúc này, thị trường cây giống cũng bắt đầu nhộn nhịp.

Ông Điền luôn chăm chút cây giống cẩn thận để chuẩn bị cung ra thị trường.

Dạo quanh các trung tâm và cơ sở sản xuất cây giống nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) thuộc địa phận Hậu Giang, mọi người sẽ nhận ra không khí vận chuyển và mua bán cây giống của người dân trong và ngoài tỉnh rất tất bật. Theo đó, đa phần khách hàng đều lựa chọn một số loại cây ăn trái chủ lực như: cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, xoài Đài Loan, mít Thái, mãng cầu xiêm… về trồng cho kịp thời vụ.

Đang ngồi lựa cây cam sành giống, ông Trần Văn Hơn, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, bày tỏ: “Hơn 3 năm trước, tôi có trồng 3 công cam sành, giờ vườn cây đã cho trái và thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm. Thấy vậy, còn 2 công vườn tạp phía sau nhà, tôi đã dọn sạch, lên liếp và mua cây giống xong. Dự định, trong 10 ngày tới tôi sẽ mang ra trồng để kiếm thêm thu nhập”.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, phong trào phá bỏ vườn tạp, cải tạo lại đất kém hiệu quả trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người dân. Theo ông Huỳnh Ngọc Điền, ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, xuất phát từ nguyên nhân trên, khi cầu vượt cung thì giá bán cây giống tại các cơ sở sản xuất như ông cũng theo đó nhích lên. Cụ thể, đối với các nhóm hàng cây giống có múi như: cam sành, bưởi, chanh không hạt có giá từ 12.000-18.000 đồng/cây (tùy loại); mít Thái, xoài Đài Loan, mãng cầu xiêm dao động 20.000-30.000 đồng/cây (tùy loại), cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/cây giống so với cùng kỳ năm trước.

Ông Điền chia sẻ thêm: “Hiện cơ sở sản xuất của tôi làm đa dạng các loại cây giống, nhưng số lượng vẫn không đủ cung ra thị trường. Bởi vì, thời gian gần đây, bà con đến hỏi mua rất nhiều. Tính từ đầu năm đến nay, tôi đã cung ứng ra thị trường gần 30.000 cây giống các loại và hiện chuẩn bị ghép bo hơn 20.000 cây thuộc giống mít Thái, bưởi da xanh để kịp giao hàng cho khách”.

Có thể nói, tuy là cách thức ghép bo cây giống truyền thống, nhưng sử dụng phương pháp bài bản nên hầu hết các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh đều “ăn nên làm ra”, trong đó có cơ sở sản xuất cây mãng cầu tháp bình bát của ông Trần Hòa Bình, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Ông Bình thông tin: “Chỉ hơn 1 năm nay, phong trào trồng mãng cầu xiêm tháp bình bát này mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh chủ động cây giống để tự trồng trên diện tích hơn 5 công đất của gia đình thì tôi còn tìm tòi, học hỏi, tự tháp để bán cho người dân có nhu cầu trồng với trên 3.000 cây giống mỗi năm. So với những ngành, nghề khác thì sản xuất cây giống khá công phu, nhưng nhu cầu vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, trung bình cũng kiếm lời khoảng 5.000 đồng/cây. Số tiền lời không lớn, nhưng nhờ số lượng nhiều nên kinh tế gia đình tôi cũng ổn định và vươn lên thoát nghèo”.

Bằng sự cần cù, kết hợp với vừa trồng vừa sản xuất cây giống, đời sống của gia đình của ông Bình ngày càng thay đổi. Hàng năm, từ bán trái mãng cầu và sản xuất cây giống, ông Bình có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện ông còn dự định mở rộng quy mô sản xuất cây giống vì nhu cầu khách hàng ngày một nhiều.

Còn ông Phan Văn Niềm, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, cho hay: “Bằng sự uy tín, cơ sở của chúng tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, vì vậy khách hàng mới tin cậy và đặt với số lượng lớn. Thông thường, tùy vào diện tích đất trồng mà bà con điện thoại đặt hàng từ 200-500 cây giống/người mua. Song, để có số lượng giao cho khách, chúng tôi ở đây chủ động đi tìm kiếm thêm các cây bình bát mọc hoang theo các vườn tạp ở địa phương và sử dụng đất của gia đình để trồng cây bình bát giống, nhằm sản xuất quanh năm”.

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nhìn nhận: Nhìn ở góc độ địa phương, thời gian qua, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi của người dân ngày càng mạnh mẽ. Theo đó, việc lựa chọn trồng cây ăn trái luôn được bà con quan tâm. Thế nên, các cơ sở chuyên sản xuất cây giống trong và ngoài địa phương phát triển nhiều nên không lo việc thiếu hụt nguồn cung.

“Để trồng đạt hiệu quả, người dân cần chú ý và lựa chọn các cơ sở uy tín chuyên sản xuất ra cây giống sạch bệnh để trồng, nhằm góp phần tăng năng suất, hạn chế rủi ro. Còn các cơ sở sản xuất cây giống thì cần áp dụng kỹ thuật chiết, ghép bài bản, chọn những nhánh ghép bo khỏe mạnh, những cây đầu dòng, không nhiễm sâu bệnh. Nhất là nên thực hiện ghép và trồng trong nhà lưới để cây giống phát triển tốt, đạt đúng chuẩn xuất ra thị trường để làm ăn lâu dài”, ông Đức khuyến cáo.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>