Sức sống công nghiệp

12/02/2019 | 08:29 GMT+7

Đi trên Quốc lộ Nam Sông Hậu về Khu công nghiệp Sông Hậu, có lẽ những ai từ nơi xa đến cũng cảm nhận được không khí nhộn nhịp nơi đây. Bởi sau những khó khăn, hàng loạt dự án đã và đang trong giai đoạn nước rút. Công nghiệp Hậu Giang đang căng tràn sức sống, từng bước vươn lên để trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Đã bước vào những ngày làm việc đầu năm, không khí trên Khu công nghiệp Sông Hậu lại bắt đầu giữ nhịp độ sôi động. Dưới cảng Vinalines, tiếng gọi vội vã của các tài xế nhận hàng, một ngày mới lại bắt đầu ở khu công nghiệp.

Những dự án tiềm năng

Dự án Nhà máy nước giải khát Number One Hậu Giang được khởi công xây dựng năm 2014 và đến nay đã bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm. Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích gần 40ha, bao gồm các hạng mục như nhà xưởng sản xuất, hệ thống kho nguyên liệu, kho thành phẩm, nhà ăn và khu tập thể dành cho cán bộ công nhân viên… có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Dự án hoàn thành sẽ là nhà máy nước giải khát lớn nhất tại vùng Tây Nam bộ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Việc xây dựng Nhà máy nước giải khát Number One Hậu Giang nằm trong chiến lược mở rộng đầu tư của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long - một thị trường chiến lược và tiềm năng của tập đoàn. Nhà máy mới sẽ giúp nâng cao công suất sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, hậu cần, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng để tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của Hậu Giang.

Còn nhớ hôm lãnh đạo tỉnh khảo sát tiến độ các dự án, trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1. Trong cái nóng ấy, NMNĐ Sông Hậu 1 với sắt thép và bê tông trở thành một “cái chảo lửa” khổng lồ. Ba chiếc xe bồn trộn bê tông vẫn liên tục giơ cần trục đổ bê tông cao thêm hàng chục mét. Khối nhà chính đã dần hiện lên như hình dáng thiết kế. Nền nhiệt trên công trường rất nóng bởi nhiệt độ tỏa ra từ lớp bê tông, nóng từ tiếng máy rộn rã cho đến nhịp độ làm việc hối hả của các công nhân kỹ thuật, nhà thầu thi công. Đưa tay lau giọt mồ hôi trên trán rồi chỉ tay vào bản thiết kế, ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, hồ hởi: “Những tháng mùa mưa đội thi công gặp rất nhiều bất lợi, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các công nhân quyết tâm tăng ca, phấn đấu bù lại tiến độ. Ban ngày trời nắng nóng, cùng với nhiệt độ bốc lên từ mặt đường, bụi đá, tiếng ồn... khiến công nhân rất mệt mỏi, nhưng mỗi người luôn ý thức việc hoàn thành công việc. Nhà máy có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả miền Nam nên anh em động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, năng suất lao động trên công trường mấy ngày gần đây đạt rất cao”.

Chỉ tay về hướng tổ máy phát điện, ông Hiền cho biết hiện dự án đã triển khai xây dựng và lắp đặt thiết bị máy phát tổ máy số 1 vào vị trí đảm bảo an toàn, chất lượng. Mục tiêu cao nhất của dự án là chạy thử tổ máy số 1 vào tháng 7-2020, tổ máy số 2 sẽ hoàn thành sau đó 2 tháng. Việc lắp đặt máy phát tổ máy số 1 là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong công tác lắp đặt thiết bị chính của nhà máy cũng như của dự án NMNĐ Sông Hậu 1. Sau khi hoàn thành công tác lắp đặt máy phát tổ máy số 1 sẽ đến phần lắp đặt tuabin của nhà máy. Đây là hạng mục quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ chung của dự án.

Nghe ông Hiền diễn giải từng con số rất hăng say, thế nhưng chúng tôi chỉ thực sự thích thú khi nghe đến con số 600MW - công suất phát điện lớn nhất của một tổ máy nhiệt điện. Sau khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ kWh/năm. Con số này quả thật chưa thấm vào đâu so với nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp. Chuyện mà chúng tôi liên tưởng rồi mừng thầm trọng bụng là khi nghĩ đến buổi họp gặp mặt đối thoại doanh nghiệp hàng quý sẽ không còn doanh nghiệp nào kêu ca “cúp điện đột ngột vì mất nguồn”. Nghĩ thế, mỗi người đang có mặt trên công trường bỗng nhen nhóm thêm niềm tin.

Thêm một tin vui nữa, là mới đây Tập đoàn TOYO Ink Group Malaysia cũng vừa phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh khảo sát khu vực xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2. Chủ đầu tư rất mong muốn địa phương đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể đi vào hoạt động. Đây là dự án thực hiện theo hình thức BOT có công suất thiết kế 2.000MW, với tổng vốn đăng ký 72.000 tỉ đồng. Dự án có tổng diện tích khoảng 126,2ha, sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục bổ sung nguồn điện năng cho tỉnh nhà.

Công nhân của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang đang sản xuất.

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Ngược dòng thời gian để thấy điểm xuất phát của tỉnh sau khi tái thành lập, kinh tế của tỉnh còn dựa vào nông nghiệp. Nhưng với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, tỉnh xác định đúng định hướng khai thác lợi thế “đi tắt đón đầu” và đến nay trở thành một tỉnh đang trong tiến trình công nghiệp hóa. Với chiến lược huy động các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp và các ngành có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá kinh tế theo chủ trương của tỉnh là xây dựng các khu, cụm, điểm công nghiệp gọi là công nghiệp tập trung. Từ chỗ những vùng đất lúa, tỉnh đã xây dựng được 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp tập trung và 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Nhìn những nhà máy đang dần hoàn thiện trong khu công nghiệp, chúng tôi càng thấm thía lời ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã nói: “Làm nông chỉ có đủ ăn. Vì thế, chỉ có phát triển công nghiệp mới có thể thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà đi lên. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động”.

Rời Khu công nghiệp Sông Hậu cũng đã chập choạng tối, đèn đường Nam Sông Hậu đã bắt đầu bật sáng. Từ vùng đất “thuần nông” ngày nào giờ đây với hàng loạt cửa hàng kinh doanh, ăn uống mọc lên sầm uất. Phải chăng nơi đây đang dần chuyển mình cho cuộc sống đô thị và công nghiệp…

Tính đến nay, các khu, cụm công nghiệp do Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh quản lý đã thu hút được 42 nhà đầu tư với 49 dự án, trong đó có 34 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 68.553 tỉ đồng và 763,7 triệu USD. Các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý đã thu hút được 27 nhà đầu tư với 28 dự án đầu tư và có 20 dự án đi vào hoạt động. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, chủ yếu là người địa phương.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>