Tháo “nút thắt” trong đầu tư chợ nông thôn

31/05/2017 | 07:31 GMT+7

Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh là nền tảng quan trọng để tháo gỡ những “nút thắt” để phát triển hạ tầng chợ nông thôn. Thế nhưng, kể từ khi triển khai đến nay, nhiều chợ vẫn không đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng.

Hạ tầng chợ Cái Nai xuống cấp nhưng chưa được đầu tư.

Theo UBND thị xã Long Mỹ, hầu hết các chợ do Nhà nước quản lý trên địa bàn đều xuống cấp và cần được cải tạo lại. Tuy vậy, địa phương không thể xoay sở nguồn vốn vì suất đầu tư quá cao. Hiện, trên địa bàn thị xã Long Mỹ còn có nhiều chợ trong tình trạng mòn mỏi chờ nâng cấp như chợ Cái Nai hay Tân Bình 1 (xã Long Phú), với tổng nhu cầu vốn gần 6 tỉ đồng.

Đầu tư nhưng chưa đạt

Đơn cử như cơ sở hạ tầng chợ Cái Nai thuộc xã Long Trị đang xuống cấp trầm trọng. “Hễ mưa xuống là ngập, trong khi các con đường xẻ dọc nhà lồng rau, củ lênh láng nước. Ở nhà lồng này, đa số bà con phải bày nông sản dưới nền chợ. Mỗi lần mưa là rất mệt nhọc vì phải di dời toàn bộ hàng hóa ra chỗ cao ráo hơn. Hết mưa chừng một tiếng sau nước mới rút hết. Tiểu thương rất vất vả mà người đi chợ cũng ngán ngại”, chị Lê Thị Sáu, bán rau, củ đầu nhà lồng chợ Cái Nai, than phiền.

Không riêng gì thị xã Long Mỹ, mà các chợ trên địa bàn huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy đều rơi vào tình trạng tương tự. Đáng nói là chợ Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy dù được xây kiên cố, đường đi trong chợ được đổ bê tông, nhưng do được xây dựng từ khá lâu nên đến nay đã xuống cấp thấy rõ. Còn chợ Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A mùa nắng thì nóng, mưa thì dột, đường đi chật hẹp, hệ thống kèo cột sắt đã bị rỉ sét gần hết. Hiện, tiểu thương tự bỏ tiền túi sửa chữa lại mái tôn nhưng cũng mang tính tạm thời chứ không “thấm” vào đâu so với thực trạng xuống cấp hiện hữu.

Bên cạnh các chợ đã xuống cấp, cũng có không ít chợ dù được đầu tư xây dựng kiên cố, song vẫn thiếu các hạng mục cần thiết như hệ thống thoát nước thải, bãi để xe, thiết bị phòng cháy chữa cháy... Trong khi đó, Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh ban hành vào năm 2012 được kỳ vọng sẽ giúp cho các chợ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để hoàn chỉnh một phần hạ tầng. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, tỉnh chỉ bố trí vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng 7,5 tỉ đồng cho 15 chợ, trung bình mỗi chợ được hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng.

Theo đánh giá của các ngành chuyên môn tỉnh, hàng năm, ngân sách bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các chợ trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, trong khi ngân sách Trung ương thì chưa được bố trí, còn việc thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh chưa đạt được mục đích và yêu cầu đề ra. Cho nên các địa phương còn lúng túng trong thực hiện phân bổ vốn hoặc ưu tiên cho các công trình bức xúc hơn nên “bỏ ngỏ” đầu tư chợ. Dẫn đến tình trạng nhiều chợ khó kêu gọi đầu tư hoặc chợ được lựa chọn đầu tư hàng năm không phải danh mục do Sở Công thương trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy cho rằng nguồn vốn thực hiện theo Nghị quyết không cụ thể. Bởi giai đoạn từ năm 2014-2016, tỉnh thực hiện phân bổ vốn theo danh mục ưu tiên của các địa phương nên thị xã phải rất cân nhắc trong công tác đầu tư. Song song đó, vốn phân bổ thấp so với nhu cầu địa phương, đặc biệt là giai đoạn này tập trung xây dựng nông thôn mới. Bằng chứng là nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao lớn hơn so với các tiêu chí khác nên địa phương ít ưu tiên cho đầu tư chợ.

Cũng theo ông Hải, thời gian qua, đơn vị chỉ sử dụng nguồn cân đối ngân sách cho đầu tư chợ nhưng vẫn phân bổ không nổi. Do đó, nhiều chợ có thể lắp vá như chống dột, chống ngập, sửa chữa tạm chứ không phát triển hay nâng cấp được. Còn ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thừa nhận: “Ngay từ đầu, địa phương hiểu sai về nguồn vốn. Nghĩa là, thay vì trích từ nguồn phân bổ hàng năm của huyện thì địa phương cho rằng vốn đầu tư chợ theo Nghị quyết số 16 được trích từ nguồn khác. Thế nên, mới có chuyện danh mục gửi Sở Công thương và danh mục chợ đầu tư hàng năm lại khác nhau”.

Theo UBND huyện Châu Thành A, trên địa bàn huyện có nhiều chợ loại 2 không thuộc diện ưu tiên nhưng rất bức xúc. Nếu đầu tư không đúng nguồn thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Do vậy tới đây, tỉnh cần xem lại hiệu quả của công tác đầu tư chợ nông thôn theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh. Mặt khác, Sở Công thương cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phải thống nhất với nhau về danh mục đầu tư, kết hợp với phân bổ vốn theo các công trình ưu tiên hàng năm của các địa phương.

Tại cuộc họp với các sở, ngành về việc rà soát kết quả triển khai Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cho rằng mục đích chính của Nghị quyết này là mang lại lợi ích cho người dân, vực dậy tiềm năng phát triển vùng nông thôn, gần với đô thị hơn. Theo đó nghị quyết đã giúp cho những chợ khó kêu gọi đầu tư có điều kiện nâng cấp nơi mua bán tốt hơn cho bà con. Vì thế tới đây, Sở Công thương cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các địa phương tiến hành rà soát, khảo sát lại danh mục chợ được phân bổ vốn hàng năm. Đồng thời, các địa phương tập trung ưu tiên cho các xã đang xây dựng nông thôn mới và các chợ bức xúc nhất.

 Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>