Thiếu những chuyến hàng Việt về nông thôn

03/08/2017 | 08:02 GMT+7

Mặc dù đem lại những hiệu ứng tích cực, nhưng những chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng thời gian gần đây vẫn còn nặng tính phong trào, thiếu tính bền vững.

Người dân rất khao khát được dùng hàng Việt, bởi thông qua các phương tiện truyền thông đã phần nào hiểu và thay đổi thói quen tiêu dùng.

“Vắng bóng” những chuyến hàng

Nguyên nhân của việc thiếu vắng những chuyến hàng đến tận vùng sâu do bản thân doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng vấp phải không ít khó khăn. Phần lớn, kinh phí thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất... đều do doanh nghiệp tự trang trải.

Theo ông Trần Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, đa phần những phiên chợ tổ chức ở trung tâm huyện, thị xã chứ không thể mang về các chợ tận vùng sâu, vùng xa, ngoại trừ 2 siêu thị Co.opMart duy trì các chuyến bán hàng lưu động hàng tháng. Thực tế, các phiên chợ hàng Việt cũng xuất hiện thưa thớt hơn các năm trước. Cụ thể là từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều phiên chợ hàng Việt nhưng “vốn mồi” từ ngân sách không có nên trung tâm không kêu gọi được doanh nghiệp tham gia. Điều kiện tổ chức phiên chợ hàng Việt là mỗi chuyến hàng phải đảm bảo có ít nhất 20 gian hàng Việt, các gian hàng này phải được miễn phí giá thuê lô thì họ mới chấp nhận tham gia. Vì vậy, Trung tâm Xúc tiến thương mại chỉ thực hiện được một phiên chợ hàng Việt tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ.

Đây là phiên chợ xã hội hóa 100%, tuy nhiên hiệu ứng từ phiên chợ mang lại không như mong đợi. Hàng hóa, mẫu mã sản phẩm không đa dạng, chất lượng chưa ổn định cho nên chưa đủ lực hấp dẫn người mua. Chị Lý Thị Thu, ở phường Bình Thạnh, nhớ lại: “Tôi từng mua một chiếc áo sơ mi tại hội chợ. Xem qua các nhãn mác, tôi nhận thấy đây đúng là hàng Việt nhưng giá một cái áo chỉ 120.000 đồng. Sau hai lần mặc, áo đã nhàu cũ, vì vậy những lần sau đi hội chợ, tôi không dám mua quần áo hội chợ nữa. Đồng ý rằng tiền nào thì của đó nhưng so sánh các dòng hàng cũng có thương hiệu Việt bày trên kệ thì giá chênh lệch không nhiều mà chất lượng khác xa”.

Trên thực tế, bà con tại các vùng khó khăn rất khao khát được dùng hàng Việt, bởi thông qua các phương tiện truyền thông, người dân đã phần nào hiểu và thay đổi thói quen tiêu dùng. Thế nhưng, ngay trong chính lúc lựa chọn được mặt hàng ưng ý về giá cả, nhiều người tiêu dùng cũng không khỏi băn khoăn hàng mua về có đạt chất lượng?

Doanh nghiệp đuối sức

Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Vị Thanh, cho rằng: Bán hàng lưu động ở nông thôn rất gian nan, từ việc tìm địa điểm bán hàng, đến các khâu tuyên truyền quảng bá. Để thu hút bà con, siêu thị luôn phải chạy các nhóm hàng khuyến mãi, bán thấp hơn giá bán tại nội đô. Thế mà khi tính toán chi phí tổ chức, quản lý nhân viên, vận chuyển hàng hóa thì thấy tốn kém nhiều hơn là doanh thu mang về. Trung bình mỗi chuyến chỉ đưa hơn 1 tấn hàng về bán tại các xã. Nhiều địa điểm người dân có nhu cầu, siêu thị muốn đến nhưng ngặt nỗi xe vào không được thì cũng đành bỏ ngỏ. Trong 2 tháng trở lại đây, phương tiện vận chuyển duy nhất của siêu thị trục trặc nên phải chuyển các chuyến hàng sang những tháng tết, khi đó nhu cầu người dân mua sắm cũng tăng cao, cơ hội đưa hàng Việt có chất lượng càng tăng hơn.

Là doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm đưa hàng Việt về nông thôn, bà Lê Thị Diệu Hiền, chủ một cơ sở sản xuất nước rửa chén, chia sẻ: “Theo các đợt bán hàng là cơ hội cho chúng tôi quảng bá sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối về vùng sâu, vùng xa. Nhưng điều đáng suy nghĩ là cách thức tổ chức chưa đủ hấp dẫn người dân nên sản phẩm mang đến lại mang về”. Theo lý giải của doanh nghiệp, nguyên nhân là do xuất phát từ yếu tố nội lực không đủ. Bởi điểm chung của các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có điều kiện để phát triển kênh phân phối tại nơi vừa mới tham gia xúc tiến. Vì thế mà khi các phiên chợ kết thúc, chẳng có gì đọng lại trong lòng người dân.

Còn ông Lâm Minh Sính, đơn vị chuyên bán hàng đồng giá, cho rằng những phiên chợ hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. Trên thực tế, các cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ về mặt tinh thần cho người tham gia bằng cách phối hợp với địa phương tìm địa điểm tổ chức, vận động người dân đến tham quan, còn người bán hàng phải tự bơi. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa địa phương và đơn vị hỗ trợ đôi khi chưa đồng bộ. Nhiều phiên chợ diễn ra như một buổi lễ, còn đơn vị xúc tiến làm theo trách nhiệm. Thực chất, chương trình không có chiều sâu, “mạnh ai nấy làm” cho đúng thủ tục chứ không có định hướng.

Không thể lấy số lượng khách tham quan để đo sự hài lòng

Để kích cầu mua sắm hàng Việt, không chỉ có các phiên chợ đặc biệt mang tên “Hàng Việt về nông thôn” mà còn lồng ghép các chương trình hội chợ thường niên. Tuy vậy, không thể lấy số lượng người đến các phiên chợ, hội chợ để đánh giá sự tin cậy của người tiêu dùng đối với hàng Việt, bởi người dân đến các phiên chợ vì mục đích tham quan nhiều hơn. “Tôi thấy rõ nhiều hội chợ, sản phẩm quanh quẩn nhóm hàng thời trang, túi xách, giày dép chiếm đa số. Chứ hàng thiết yếu hoặc những món hàng mang tính cần thiết để thu hút người dùng thì chưa thấy xuất hiện nhiều”, bà Trịnh Thị Tố Mỹ, một người tiêu dùng cho biết.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>