Thuốc lá lậu hoành hành, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng

14/11/2018 | 17:12 GMT+7

Tỷ lệ thuốc lá lậu chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

Nội dung này được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyền “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá - Những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội.

Tọa đàm trực tuyến "Vấn nạn buôn lậu thuốc lá-những vấn đề đặt ra".

Tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp từ nhiều năm nay trên các tuyến biên giới Tây Nam. Chúng lợi dụng thời điểm đêm tối để cất giấu, chia nhỏ thuốc lá nhập lậu trong vách ngăn xe ô tô, dưới gầm ghe, thuyền… Đặc biệt, một số xe khách thiết kế hầm chứa thuốc lá nhập lậu rất tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng hoặc vận chuyển bằng xe mô tô đi thành từng đoàn, khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra thì báo hiệu cho nhau để trốn tránh.

Do mặt hàng thuốc lá gọn, nhẹ, lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ lực chống trả lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, địa bàn biên giới rộng, nhiều đường mòn, lối mở qua lại, phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang bị phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu còn thiếu, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Những bất cập này đã đã dẫn đến hệ lụy, tỷ lệ thuốc lá lậu hiện chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, thuốc lá nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không được cảnh báo về sức khỏe, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng…

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương - ông Phạm Ngọc Sơn cho hay, ngoài các tuyến biên giới, thì trong nội địa, thực trạng buôn lậu thuốc lá cũng diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, các khu vực: chợ An Lạc (TP Hồ Chí Minh), Hàng Mành (Hà Nội) là những điểm nóng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua.

Phương thức hoạt động của các đối tượng tuy không mới nhưng hình thức vận chuyển thì ngày một liều lĩnh, vận chuyển bằng mô tô, xe máy với tốc độ rất cao để lực lượng chức năng không thể ngăn chặn được. Đồng thời dùng công cụ vũ khí thô sơ để chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hiện nay, lực lượng Hải quan cũng như các ngành chức năng khác chưa có lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu thuốc lá, mà chỉ có lực lượng chống buôn lậu ma túy, còn lại lực lượng gộp chung lại có nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn buôn lậu tất cả các mặt hàng.

Nhiều năm trở lại đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chỉ có thể tăng giảm, sôi động hoặc kém sôi động trong từng giai đoạn, chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.

Số liệu của ngành Hải quan cho thấy, từ 2014-2018, lực lượng này đã bắt giữ 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ nhưng xử lý hình sự chỉ có 1 vụ và 18 đối tượng…

Chống buôn lậu thuốc lá đã và đang là bài toán khó từ nhiều năm nay và chưa tìm ra lời giải. Nhiều ý kiến cho rằng, để phòng chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả cần có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ hơn nữa từ phía các bộ, ban, ngành, lực lượng chức năng; Tạo công ăn việc làm cho người dân biên giới để họ không bị lôi kéo tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Đặc biệt, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, kiên quyết hơn các đối tượng buôn lậu thuốc lá./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>