Trải thảm đón nhà đầu tư

03/02/2019 | 07:01 GMT+7

Từ một tỉnh thuần nông, công nghiệp chưa phát triển, nhưng với tầm nhìn chiến lược đột phá đã thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà.

Ông Đồng Văn Thanh (phải), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Abhinna Kumar Hota trao bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang và Trung tâm hợp tác Ấn Độ - Việt Nam.

“Đất lành chim đậu”

Cuối năm là thời điểm công việc khá bận rộn, thế nhưng sau nhiều lần liên hệ, ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang vẫn cố gắng dành cho tôi một cuộc hẹn. Ngay phòng làm việc, ân cần rót ly trà nóng mời, ông phấn khởi cho hay: “Năm nay, sản lượng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, khi tăng khoảng 15% kế hoạch. Phải nói rằng, Minh Phú đầu tư rất nhiều nơi, nhiều tỉnh, nhưng Hậu Giang không bao giờ làm khó và giúp đỡ rất nhiệt tình cho doanh nghiệp. Có gì khó khăn là các lãnh đạo giải quyết ngay. Ngoài ra, hàng năm lãnh đạo tỉnh đều tổ chức các cuộc đối thoại doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp nói và giải quyết ngay tại chỗ, có lộ trình, ngày tháng rõ ràng cho nên doanh nghiệp rất phấn khởi, an tâm”.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư tại Hậu Giang trong những năm đầu thành lập tỉnh, đến nay nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang là một trong những nhà máy chế biến tôm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Qua quá trình 7 năm hoạt động, đơn vị đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh nhà, từng bước khẳng định là đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh.

Ông Trương Cảnh Tuyên (trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp ông Takimoto Koji, Trưởng Đại diện JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để hiện thực hóa thu hút đầu tư, tỉnh đã “bắt tay” vào công tác quy hoạch khu cụm công nghiệp, đền bù, giải tỏa nhanh, kịp giao đất cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin trung thực cả về khó khăn, thuận lợi để doanh nghiệp lựa chọn trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh còn minh bạch thủ tục đầu tư kể cả vận dụng linh hoạt việc vận động doanh nghiệp ứng trước vốn đền bù, giải tỏa, xây dựng hạ tầng khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp… “Với phương châm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư tại Hậu Giang, địa phương luôn nhiệt tình phối hợp giúp đỡ, giải quyết những vấn đề liên quan nhanh gọn để các nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi. Vì thế, khi cần, lúc nào nhà đầu tư cũng sẽ có ngay những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định.

Sức hút của tỉnh được khẳng định khi nhà đầu tư đến với Hậu Giang ngày một nhiều hơn. Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Đầu tư Tây Nam bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, cho biết: So với các tỉnh, thành khác thì Hậu Giang được xem là tỉnh khá trẻ nhưng lại có đầy đủ các yếu tố đáng để đầu tư. Bởi, vị thế “chiến lược” là gần thành phố Cần Thơ - trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh vị trí thuận lợi, địa phương còn có các chính sách ưu đãi từ thuế suất, giá đất, thuế thu nhập doanh nghiệp khá hấp dẫn. Vì thế, mới đây, tập đoàn đã quyết định đầu tư dự án Khu đô thị mới Mái Dầm, tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, với diện tích hơn 92ha. Do đây được xem là vùng đệm của tiểu vùng Tây sông Hậu, khi tiếp giáp với các tuyến đường huyết mạch Nam sông Hậu đi về Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Kéo FDI về “làng”

Cùng với xem xét các chính sách ưu đãi, cơ chế đầu tư thì thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư quan tâm. Nhận thức đúng vấn đề này, công tác cải cách toàn diện hệ thống các thủ tục hành chính (TTHC) và đặc biệt là cải cách TTHC trong lĩnh vực đầu tư được tỉnh chú trọng. Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm hành chính công góp phần thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và áp dụng phần mềm đăng ký kinh doanh quốc gia trong việc hỗ trợ các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các quy trình thủ tục đầu tư đều được tỉnh tiến hành “số hóa” công khai và cung cấp trên mạng internet để nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tiếp cận dễ dàng.

Ông Lê Tiến Châu (giữa) Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khảo sát tiến độ xây dựng nhà máy nước giải khát NumberOne Hậu Giang.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Công tác cải cách TTHC tiếp tục được cải thiện, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu trước đây quy định là 3 ngày thì nay chỉ còn 1,5 ngày, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chỉ trong vòng nửa ngày, thời gian cấp chủ trương đầu tư giảm xuống chỉ bằng nửa tháng thay vì hơn 1 tháng trước đó… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư tại Hậu Giang. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong một cửa và một cửa liên thông và cấp phép qua mạng ở một số lĩnh vực như đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai…

Từ nền tảng đã có, tỉnh còn chủ động lên phương án xây dựng chương trình và nội dung xúc tiến đầu tư từ rất sớm với tiêu chí đi trước, đón đầu và nắm bắt thời cơ. Với sự chuẩn bị đó, các cuộc xúc tiến đầu tư đã được đổi mới cả về nội dung, hình thức và thu được các kết quả tích cực. Đặc biệt là các chuyến công tác xúc tiến đầu tư, thương mại cả trong nước lẫn nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế của tỉnh với một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (thứ 3 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đoàn khảo sát vị trí xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2.

Trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm đầu tư của tỉnh Hậu Giang tại Ấn Độ từ ngày 7 đến 13-10-2018, UBND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức buổi “Tọa đàm Giới thiệu Hậu Giang” để quảng bá tiềm năng thế mạnh và chính sách ưu đãi đầu tư đến các doanh nghiệp Ấn Độ trên địa bàn New Delhi. Tại đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đã điểm qua một số kết quả phát triển kinh tế nổi bật của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, giới thiệu một số lợi thế khi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào tỉnh Hậu Giang, như giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, thủ tục đầu tư đơn giản, nhanh gọn... Hậu Giang đặc biệt chào đón các nhà đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại, dịch vụ và du lịch...

Tại chuyến thăm và làm việc cùng Hậu Giang mới đây, ông Takimoto Koji, Trưởng Đại diện JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Hậu Giang là tỉnh rất giàu tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang vào thị trường Nhật Bản.

Gian hàng của Hậu Giang tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản - Mekong vào ngày 3-11-2018 tại Cần Thơ.

Để những chính sách mang tính “trải thảm đỏ” đi vào hiện thực, tỉnh còn duy trì thường xuyên các buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; nhất là tôn trọng mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác ổn định và lâu dài; chú trọng năng lực, trách nhiệm của nhà đầu tư đối với sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; hợp tác trên cơ sở hai bên cùng phát triển, đúng với quy định pháp luật của Nhà nước.

Với vị thế là tỉnh nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, Hậu Giang đang nỗ lực nắm bắt thời cơ, vận hội, luồng gió mới để đổi thay. Vùng đất mới Hậu Giang đang mở cửa đón nhà đầu tư với hy vọng góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương phát triển khá trong khu vực. “Hậu Giang không chỉ là nơi đầu tư hiệu quả, bền vững mà còn là nơi đồng hành, gắn bó, chia sẻ vì sự phát triển hài hòa giữa địa phương và doanh nghiệp”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Tạo khẳng định.

“Sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư đến và đầu tư tại Hậu Giang. Là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, vì thế để thu hút đầu tư thì Hậu Giang cần tạo ra một “thể chế” riêng tạo lập môi trường đầu tư thực sự mở để chào đón nhà đầu tư. Một “thể chế” mà chỉ có Hậu Giang có để có thể tạo ra lợi thế so với các tỉnh trong khu vực. Có như thế thì mới “khai thông” được nguồn vốn chảy về Hậu Giang”, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định. 

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 5.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 46.700 tỉ đồng, hơn 47.600 hộ kinh doanh cá thể với tổng số vốn đăng ký 3.256 tỉ đồng; thu hút gần 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 123.860 tỉ đồng (trong đó 5 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn là 1.030 tỉ đồng); thu hút 28 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 480 triệu USD. Hiện đã giải ngân trên 424 triệu USD, đạt trên 88% tổng vốn đăng ký. Trong đó, 15 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn 314 triệu USD và 13 doanh nghiệp liên doanh có tổng vốn 164 triệu USD. Ngoài ra, còn một số dự án lớn về điện năng lượng mặt trời, hạ tầng khu dân cư thương mại, khách sạn 5 sao của các tập đoàn lớn như Vincom, FLC đang tiếp cận để nghiên cứu đầu tư. 

 

THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>