Vào mùa kinh doanh ngư cụ

13/08/2018 | 08:24 GMT+7

Thời điểm này, người dân trong tỉnh chuẩn bị mua sắm các loại ngư cụ để bắt đầu mùa khai thác thủy sản nên hoạt động kinh doanh, sản xuất các mặt hàng này trở nên nhộn nhịp.

Nhiều hộ kinh doanh và sản xuất ngư cụ tất bật vào mùa.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai Thy có hơn 13 năm gắn bó với nghề kinh doanh các loại lưới, lợp, dớn, câu… tại chợ Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Vừa trò chuyện chị vừa tranh thủ làm thêm cái vèo cá để giao cho khách. Khách đông hơn ngày thường và sức mua cũng tăng từ 20-30% nên chị Thy khá bận rộn. “Năm nay đầu mùa mưa nhiều, nước dâng nên bà con mua dụng cụ sớm hơn mọi năm. Nếu gặp mấy ngày mưa thì buổi sáng ít khi nào rảnh tay, vừa làm vừa bán không kịp nên phải tranh thủ lúc ít người để chuẩn bị hàng sẵn”, chị Thy cho hay.

Dù giá của các mặt hàng lờ, lợp, vèo, chụp cá… có tăng nhẹ từ 3.000-5.000 đồng mỗi loại nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu thụ vào thời gian này. Lờ có giá 23.000 đồng/cái, lợp lớn 110.000 đồng/cái, cần câu cắm 12.000 đồng/chục, vèo cá có giá từ 45.000-120.000 đồng/cái tùy kích cỡ. Riêng lưới cũng tăng khoảng 50.000 đồng/tay. Đặc biệt dớn là mặt hàng bán chạy nhất, tại cửa hàng của chị Thy 1 tháng qua khi số lượng bán ra hơn 200 cái dớn. Tùy theo chiều dài đuôi dớn mà mỗi cái có giá từ 95.000-105.000 đồng. Chị Thy chia sẻ: “Thời gian kinh doanh tốt nhất trong năm là từ đây đến tháng 9. Dù nghề này không còn “ăn nên làm ra” như lúc mới mở bán, vì nguồn thủy sản tự nhiên hiện nay không dồi dào như trước, nhưng bán được như vậy cũng mừng rồi”. Hiện nay, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ngư cụ phục vụ khai thác và nuôi thủy sản đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng nhiều vì nghe thông tin năm nay có khả năng nước dâng cao hơn nên nhu cầu có thể tăng so với năm ngoái.

Còn tại các cơ sở chuyên sản xuất và kinh doanh ghe, xuồng, vỏ lãi không khí cũng đã dần sôi động hơn. Ông Cao Thanh Trúc, chủ cơ sở Phước Hiệp, ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Tháng trước, có khi mấy ngày liền không có khách đến mua thì giờ có thể bán 3-5 chiếc/ngày. Đa số người dân mua xuồng, ghe chất liệu composite, có giá từ 1,4-2,6 triệu đồng/chiếc. Mức giá này đã tăng khoảng 100.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Các loại ghe, xuồng gỗ giá ổn định nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm. Giá hiện ở mức dưới 1 triệu đồng với các loại ghe gỗ tạp, còn loại làm bằng gỗ sao, sến, vên vên có giá khá cao, từ 4-5 triệu đồng/chiếc”.

Mùa nước nổi về là tín hiệu vui không chỉ cho những người kinh doanh “ăn theo” con nước mà đối với người dân sống ven các tuyến kênh, rạch thì mùa này cũng là cơ hội để kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn hằng ngày. Sống bằng nghề làm ruộng đã nhiều năm, nhưng năm nay ông Nguyễn Văn Long, sống ven tuyến kênh Mương Lộ, thuộc xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã sắm hẳn một chiếc xuồng mới để bắt đầu những chuyến thả lưới đầu tiên. Chưa có nhiều kinh nghiệm nên ban đầu ông chỉ mua 400m lưới giăng và dớn. Đang tất bật dọn lưới và một số dớn xuống xuồng, ông tâm sự: “Không chỉ giăng ở đoạn kênh gần nhà mà tôi cũng định đi giăng ở kênh Ổ Bịp, chịu khó đi xa hơn để kiếm thêm cá”. Nghe tin con nước về sớm nên ông Long cũng như rất nhiều người dân ở đây đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mưu sinh theo mùa lũ, với kỳ vọng lượng thủy sản thu được nhiều hơn, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Tuy lợi nhuận đem lại cho người dân là không thể phủ nhận, nhưng vẫn tồn tại nhiều nỗi lo về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên do khai thác quá mức. Một số tiểu thương kinh doanh ngư cụ cũng tỏ ra lo lắng về sức mua chài, lưới và các dụng cụ bắt cá khác do có những năm lũ về nhiều nhưng nguồn thủy sản ít, hoạt động khai thác cũng kém sôi động. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức khai thác thủy sản hợp lý sao cho mang lại lợi ích về kinh tế mà vẫn đảm bảo duy trì và bảo vệ được nguồn tài nguyên tự nhiên.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>