Vào mùa sản xuất tết

25/01/2018 | 08:11 GMT+7

Những ngày này, ở các cơ sở sản xuất, người ta dễ dàng cảm nhận không khí lao động khẩn trương, cần mẫn để hoàn thành nhiều sản phẩm chất lượng cao mang ra thị trường.

Công nhân tại Công ty CP Thực phẩm sạch ViGi đang sơ chế cá thát lát.

Với các cơ sở sản xuất, tết là cơ hội có một không hai trong năm để hốt bạc và đưa sản phẩm mới ra thị trường. Là giai đoạn nước rút trong năm nên các cơ sở sản xuất tập trung nhân lực, vật lực, thu gom nguyên liệu, tạo ra sản phẩm thơm ngon phục vụ nhu cầu của thị trường tết.

Men theo một nhánh sông rẽ về phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, chúng tôi đến Công ty TNHH Sản xuất bánh tráng Lộc Phát tìm chút “hương vị” một nghề truyền thống. Khác với những sản phẩm thuộc ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, bánh tráng Lộc Phát đã mang lại một tương lai tốt đẹp mà chủ doanh nghiệp không cần phải bôn ba đây đó để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ sáng sớm, công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất bánh tráng Lộc Phát đã tất bật với những vỉ bánh thơm lừng. Bây giờ đang là thời gian cao điểm trong vụ bánh tết. Có hôm 5 giờ sáng đã đốt lò hấp bánh. Tuy có phần vất vả, nhưng do công việc được làm theo nhóm nên lúc nào cũng rộn tiếng cười, nói. Ông Hà Tấn Lực, Giám đốc Công ty cho biết mỗi ngày phải tăng cường lên 8.000-9.000 gói (15 miếng/gói), có khi gấp đôi mới đủ đáp ứng cho thị trường.

Từ năm 2014 đến nay, Công ty TNHH Sản xuất bánh tráng Lộc Phát đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường với 4 mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong khu vực. Năm nay, các sản phẩm làm ra vẫn đắt hàng hơn những năm trước, cho nên công nhân phải làm tăng thêm giờ. Để thu hút được khách hàng, công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu pha trộn bột và cắt bánh tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Bánh tráng Lộc Phát được làm với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh có độ mềm, dẻo. Bánh có thể cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm đều rất ngon.

Những ngày này, không khí lao động tại cơ sở Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp - nơi chế biến chả cá thát lát - cũng nhộn nhịp hẳn lên. Để có đủ sản phẩm giao cho khách hàng, cơ sở đã thuê mướn thêm lao động và phải bắt đầu công việc ngay từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Cơ sở Kỳ Như thường “đỏ lửa” quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ bây giờ vì đây là lúc các đại lý, nhà hàng có nhu cầu cao nhất năm. Bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở Kỳ Như, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tầm này là nhu cầu về chả cá thát lát lại tăng lên. Riêng những ngày giáp tết, năng suất có thể lên gấp 3-4 lần, nhưng lượng chả làm ra luôn trong tình trạng cháy hàng”.

Mặc dù bán rất chạy, nhưng bà Kim Thùy vẫn không bỏ hàng ra các chợ. Bởi theo bà Thùy, đây là sản phẩm được đầu tư rất kỳ công, khâu làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ con cá giống cho đến bàn ăn. Thậm chí, cơ sở tìm ao nuôi kiểm tra chất lượng rồi bao tiêu và tự nuôi ao riêng. Do đó, không thể chạy theo thị trường được, mà chỉ mang tính phục vụ là chính.

Hầu hết khách hàng của cơ sở đều là các mối quen và theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, đại lý trong, ngoài tỉnh. “Bất cứ món ăn ngon nào cũng cần phải có nguyên liệu chất lượng. Đặc biệt là các món hấp như chả thì chất lượng thịt là rất quan trọng. Nhiều tiểu thương đặt hàng nhưng tôi vẫn không dám nhận. Bởi thường những ngày cận tết, giá chả cá tăng cao nên tiểu thương hay trộn lẫn chả tạp vào nếu không lựa chọn kỹ sẽ mua phải chả kém chất lượng làm mất uy tín của mình”, bà Kim Thùy lý giải. Hiện tại, cá thát lát thương phẩm được mua với giá từ 33.000-35.000 đồng/kg (loại từ 300-500 gram/con). Mỗi ngày cơ sở cạo hoặc rút xương khoảng 500kg cá nguyên liệu và cho ra thị trường khoảng 30kg chả cá.

Tại Công ty CP thực phẩm sạch ViGi, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, hơn 20 công nhân cũng đang hối hả với công việc. Tất cả dường như đang chạy đua với thời gian để kịp đơn đặt hàng. “Vì cả dây chuyền sản xuất đều tự động hóa cho nên chỉ có mỗi khâu đánh vẩy cá và lóc xương, cạo chả là thực hiện thủ công. Mỗi ngày, công ty sản xuất 10 tấn chả cá để cung ứng cho thị trường. Qua tết, công ty sẽ đào ao phía sau xưởng sản xuất để thả cá nuôi thêm. Chúng tôi muốn làm mô hình sản xuất khép kín để làm tăng giá trị con cá thát lát của tỉnh mình lên”, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch ViGi thông tin. 

Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn đều nâng cao nhận thức, khẳng định thương hiệu bằng chính chất lượng của sản phẩm nên đặt chữ tín lên hàng đầu. Do vậy, ngoài đảm bảo đúng các cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở còn quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để cho ra những sản phẩm đồng đều mẫu mã, chất lượng. 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>