Vì sự phát triển của doanh nghiệp

19/10/2017 | 08:14 GMT+7

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có ít nhất 5.000 doanh nghiệp và tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp (DN), tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu xây dựng những kế hoạch mới mà trọng tâm là dốc sức vì doanh nghiệp với một tầm nhìn mới.

Tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp trên 80% GRDP của tỉnh.

So với các địa phương khác, đội ngũ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh không nhiều và chiếm phần lớn là các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ. Toàn tỉnh có 4.200 DN, bao gồm doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm 1%, vừa và nhỏ chiếm 52%, siêu nhỏ chiếm 47%. Trong tổng số trên có khoảng 85% DN hoạt động đạt hiệu quả, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chế biến thực phẩm, đồ uống, viễn thông, vận tải, xây dựng, thương mại… chiếm 95% lực lượng lao động của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp trên 80% GRDP của tỉnh.

Tuy vậy, nhiều DN ra đời trong thời gian ngắn thì “chết yểu” do thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu cả tầm nhìn chiến lược phát triển DN. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” không phải là việc dễ làm, nhất là thời gian gần đây tình hình thu hút đầu tư có dấu hiệu chững lại.

Theo số liệu khảo sát mới đây, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký trên dưới 10 tỉ đồng, chiếm 90% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Nhận thức và nắm bắt kịp thời những điều đó, tỉnh vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, nhưng đi kèm đó là khó khăn hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên.

Xuất phát từ quan điểm xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng cả đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh từ doanh nghiệp. Nếu như các kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trở thành kim chỉ nam cho Hậu Giang thì các chương trình hành động vì mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sự quyết liệt từ phía tỉnh với mong muốn tạo động lực lớn trong việc tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Đây được xem là “luồng gió mới” đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thành công có tính đột phá của Hậu Giang là xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, chọn phát triển công nghiệp để tạo lực đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, xác định doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đóng vai trò nòng cốt cho tăng trưởng kinh tế. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung làm đòn bẩy để phát triển. Đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án tầm cỡ quốc gia. Đặc biệt là việc tổ chức đối thoại hàng quý, các doanh nghiệp có nhu cầu chia sẻ, phản ánh thông tin và cả hiến kế. Thông qua đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành nắm bắt những bức xúc, khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời có giải pháp xử lý. Cụ thể, tại buổi đối thoại vừa qua, nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp tồn đọng kéo dài đã được giải quyết. Như việc kiến nghị thành lập đơn vị kiểm dịch y tế, công an cửa khẩu hỗ trợ cho cảng biển quốc tế Vinalines Hậu Giang tiếp nhận tàu quốc tế, mở thêm điểm quay đầu xe tại cổng Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang.

Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng cảm thấy phấn khởi từ sự cầu thị, thể hiện trách nhiệm và giải pháp xử lý phù hợp với thực tế. Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận Thành, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, cho biết: “Thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi đã được chính quyền tích cực vào cuộc tháo gỡ. Điển hình là tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất cho công ty chúng tôi. Đây mới chính là giải pháp thiết thực nhất giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động ổn định và tăng cơ hội, sức cạnh tranh trên thị trường. Có vậy, doanh nghiệp mới đủ tâm, sức đóng góp cho tỉnh”.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính mà bước đột phá là xây dựng Trung tâm hành chính công của tỉnh. Đây sẽ là nơi tập trung các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của tất cả các sở, ban, ngành và một số ngành dọc về một địa điểm tập trung. Doanh nghiệp - nhà đầu tư và người dân chỉ cần đến một nơi để liên hệ và xử lý tất cả các thủ tục có liên quan. Quá trình xử lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu, đảm bảo việc xử lý đúng quy trình, minh bạch hóa, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh mới đây, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển bền vững và xem đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần vì sự phát triển chung của tỉnh”.

Để hiện thực hóa chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, cũng như thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã ban hành chương trình hành động và đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 5.000 doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 7.000 doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 10.000 doanh nghiệp hoạt động, với quy mô ngày càng tăng (quy mô lớn chiếm trên 8%, vừa và nhỏ chiếm khoảng 60% và siêu nhỏ giảm còn dưới 32%), số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tăng lên trên 90% trong tổng số các doanh nghiệp.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>