Xây dựng sản phẩm OCOP

18/05/2020 | 08:10 GMT+7

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới, thành phố Ngã Bảy đã định hướng được nhiều sản phẩm thế mạnh để tiến hành đầu tư đúng trọng tâm, từng bước xây dựng thương hiệu cho địa phương.  

Sản phẩm chế biến từ trái gấc của Hợp tác xã Phước Lâm, xã Đại Thành.

Từ năm 2019, thành phố Ngã Bảy đã xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện căn cứ vào đề án OCOP của tỉnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, phường. Địa phương xác định đây là cơ hội giúp người dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, dịch vụ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tại các xã, phường đều tổ chức khảo sát, đánh giá bước đầu những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và tính đặc thù. Hỗ trợ và định hướng cơ sở tiếp tục lập kế hoạch nâng cao chất lượng, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Qua khảo sát bước đầu xác định được 4 sản phẩm là bánh tráng, rượu cam sành, bún tươi và kem gấc.

Là thương hiệu đã quen thuộc với người dân thành phố Ngã Bảy, cơ sở sản xuất bún tươi Huỳnh Đức, ở phường Lái Hiếu có 33 năm gắn bó với nghề. Từ cách làm truyền thống, trong những năm gần đây cơ sở đã trở mình mạnh mẽ bằng việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền tự động hóa 80%, hướng đến sản phẩm sạch mà giữ nguyên hương vị truyền thống. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 3 tấn bún tươi, vài trăm ký bánh phở, bánh lọt, bánh hỏi các loại, giao khắp đầu mối ở thành phố Ngã Bảy và các địa phương lân cận.

Ông Trương Đắc Nguyện, chủ cơ sở cho biết đã đóng bún tươi thành từng gói nhỏ 0,5kg, kín đáo, vệ sinh và có nhãn hiệu, thông tin rõ ràng. Ban đầu người mua chưa quen nên vẫn còn chuộng cách mua kiểu truyền thống, nhưng dần dà cũng công nhận rằng cách làm mới đảm bảo vệ sinh từ khi ra khỏi cơ sở đến người bán và về tay người dùng. Có tâm huyết với nghề làm bún gia truyền và mong muốn mang sản phẩm đi xa hơn, do đó ông Nguyện kỳ vọng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, được đông đảo người tiêu dùng biết tới và đón nhận. Ông còn có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm khô để thuận lợi trong vận chuyển và bảo quản được lâu hơn.

Khác với sản phẩm bún tươi truyền thống, sản phẩm chế biến từ gấc của Hợp tác xã Phước Lâm, ở xã Đại Thành chỉ mới có mặt trên thị trường trong vài năm gần đây. Bà Bùi Phượng Liên, Giám đốc Hợp tác xã, là người đầu tiên làm món kem gấc. Sản phẩm này sớm nhận được đánh giá tích cực từ người tiêu dùng vì sử dụng loại dược liệu quý và có lợi cho sức khỏe như gấc chế biến thành món ăn lạ miệng và thơm ngon. Ngoài bán lẻ, nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố còn đặt số lượng lớn để đãi tiệc. Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi đa dạng sản phẩm từ gấc, bà Liên mạnh dạn thành lập hợp tác xã, mới đây còn cho ra thị trường thêm 2 sản phẩm mới là rượu gấc và trà gấc. Tham gia vào chương trình OCOP sẽ là cơ sở để hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn nhằm từng bước đổi mới và hoàn thiện sản phẩm, nhất là về bao bì, mẫu mã, cách xây dựng thương hiệu để tạo dấu ấn rõ nét hơn với người tiêu dùng.

Ngoài 2 sản phẩm trên, các sản phẩm còn lại như rượu cam sành Thành Phát và bánh tráng Lộc Phát cũng được đánh giá là có tính đặc thù, đã được thị trường ưa chuộng. Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: Nhìn chung, các sản phẩm này đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, có tính đặc thù, đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Hiện phòng kinh tế tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở này hoàn thành các thủ tục, hồ sơ có liên quan để gửi hội đồng thẩm định đánh giá sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, phòng sẽ kết nối các chương trình hỗ trợ phù hợp như chương trình khuyến công hàng năm của tỉnh để đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất. Tạo điều kiện cho cơ sở, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, gắn kết chuyên gia, đơn vị tư vấn, cán bộ phụ trách kinh tế để giúp các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP nâng tầm sản phẩm. 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>