Cần tập trung nguồn lực, chủ động triển khai, thực hiện chương trình giám sát

27/08/2020 | 18:27 GMT+7

Đó là yêu cầu của Kế hoạch số 579 ngày 3 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai, thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021.

Quang cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội với 3 kỳ họp, thời gian giữa các kỳ họp không nhiều nên các cơ quan cần tập trung nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai, thực hiện kế hoạch nhằm tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nội dung trong nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021.

Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, trong đó có Hậu Giang tổ chức giám sát những vấn đề nổi lên tại địa phương thuộc thẩm quyền của Đoàn đại biểu Quốc hội; tổng hợp, phân loại các kiến nghị giám sát chưa được các cơ quan thực hiện và theo thẩm quyền giải quyết để gửi đến các cơ quan liên quan theo quy định (nếu có).

Đối với Ủy ban Kinh tế, chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7-2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất.

Mặt khác, chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10-2021 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Kiểm toán nhà nước; báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2-2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 11.

Chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7-2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất.

Ngoài ra, chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10-2021 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2.

Còn Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2-2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 11. Chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10-2021 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2.

Tương tự, Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 2-2021 và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 11.

Đồng thời, chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10-2021 và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2.

Bên cạnh đó, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua xem xét việc ban hành nghị quyết, báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, cho ý kiến tại phiên họp tháng 3-2021 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 11; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10-2021 và báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10-2021.

Trong quá trình triển khai, thực hiện kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn lưu ý các vị đại biểu Quốc hội nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn chính xác, khách quan, đi thẳng vào vấn đề; tích cực tranh luận đến cùng những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội; tích cực chủ động trong việc nêu kiến nghị giám sát để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Riêng các cơ quan chịu sự giám sát phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát. Báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của chủ thể giám sát. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Để triển khai, thực hiện Kế hoạch số 579, Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã giao giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành tỉnh; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai, thực hiện kế hoạch này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng dẫn của bộ, ngành, Trung ương và phù hợp với tình hình của địa phương.

 

GIA NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>