Gỡ khó cho hàng hóa nông sản

26/12/2019 | 19:46 GMT+7

Làm sao để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản Việt Nam trước thực trạng sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, phân tán, nhất là ngày càng bị tác động bởi các yếu tố không mong muốn của thị trường ngoài nước. Vấn đề này đang được cử tri Hậu Giang đặc biệt quan tâm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tập trung tháo gỡ.

Cử tri Hậu Giang kiến nghị có chủ trương xây dựng các chuỗi sản xuất sạch, truy xuất được nguồn gốc.

Cử tri Hậu Giang cho rằng, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc nhưng khó khăn nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp nên các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tình hình cung cầu nông sản trong nước, nên ngành nông nghiệp phải có nhiều giải pháp để điều chỉnh trong thời gian tới.

Trước thực trạng đó, cử tri Hậu Giang kiến nghị làm tốt hơn công tác xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...; có chủ trương xây dựng các chuỗi nông sản sạch có truy xuất nguồn gốc; ưu tiên phát triển các loại nông sản phù hợp biến đổi khí hậu; có một số biện pháp bảo hộ nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Những động thái tích cực

Thông tin về vấn đề trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thời gian qua, nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển các chuỗi nông sản an toàn, ưu tiên các loại nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như để bảo hộ cho nông sản Việt Nam, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, đối với kế hoạch tổ chức sản xuất, đã tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11/2017 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản địa phương.

Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thị trường. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử.

Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện các yêu cầu cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua đó tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh.

Chưa kể, nhằm thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, liên kết sản xuất, ưu tiên các nguồn lực phát triển nông sản hàng hóa, Bộ đã triển khai, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Bộ cũng thường xuyên, cập nhật các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng loại nông sản; tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước, hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu trong khu vực và trên thế giới, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất.

Đối với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương trong việc đăng ký và bảo hộ các thương hiệu nông sản. Chỉ đạo các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy chế giữa ba Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương - PV) ký kết về phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Đến nay, đã ban hành Danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia (Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018) là căn cứ để các địa phương nghiên cứu, đề xuất danh mục nông sản chủ lực cấp địa phương. Đồng thời, đang tập trung các nguồn lực hỗ trợ và tạo điều kiện cho xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản vùng miền, thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cùng với đó, tập trung xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020 nhằm xác định cụ thể các sản phẩm nông sản chủ lực định hướng xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu quốc gia, củng cố và xây dựng hồ sơ mặt hàng: thông tin cơ bản, minh bạch về vùng trồng, diện tích, địa điểm, các điều kiện nhập khẩu sang các thị trường đã chấp nhận.

Tập trung bảo hộ nông sản Việt

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tập trung thực hiện một số giải pháp bảo hộ nông sản Việt Nam. Cụ thể là tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại, triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, bôi nhọ hình ảnh, thương hiệu nông sản.

Phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động nâng cao, bảo vệ hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đặc biệt, tập trung tháo gỡ việc EU rút thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam; chương trình thanh tra cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam của Hoa Kỳ, tiếp tục đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá tôm, cá tra với Hoa Kỳ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Brazil, Ả Rập Xê Út, Úc...

Mặt khác, phối hợp với Bộ Công thương triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Đẩy mạnh chương trình phát triển thương hiệu nông sản, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu quốc gia, hồ sơ mặt hàng có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Triển khai mạng lưới đại diện nông nghiệp Việt Nam tại nước ngoài để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển, khoa học công nghệ... và là đầu mối phối hợp để giải quyết khi xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế.

Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh, tranh chấp thương mại có thể gặp phải đối với hàng nông sản xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại thị trường nước ngoài.

NGUYỄN GIA tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>