Khẳng định được vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đại biểu dân cử

01/04/2021 | 18:05 GMT+7

Trên tinh thần nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng các ĐBQH tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đại biểu dân cử với cử tri. Thông tin thêm về kết quả tích cực này, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh:

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội.

- Cùng với đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phát huy kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã tích cực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật, góp phần vào những thành tựu chung của Quốc hội và của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua.

Thưa bà, trong công tác đóng góp xây dựng pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh đã để lại dấu ấn như thế nào ?

- Thực hiện chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh đã tập trung nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, tích cực tham gia công tác lập pháp của Quốc hội, góp phần tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống ở địa phương.

Thông qua việc tham gia ý kiến xây dựng luật trong các kỳ họp đã tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhiều nội dung được bổ sung phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và sát với thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến 72 dự án luật để Quốc hội thông qua tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.

Đáng ghi nhận là tại các kỳ họp Quốc hội, khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, đa số các ĐBQH của tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình đối với những vấn đề được nêu ra. Nhiều ý kiến của ĐBQH trong đoàn đã được Ban soạn thảo tiếp thu, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Công tác giám sát cũng được xem là hoạt động mang lại nhiều kết quả ấn tượng của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua, thưa bà ?

- Đúng vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát và tham gia cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; các ĐBQH tham dự 6 hội nghị chất vấn trực tuyến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Thông qua các cuộc giám sát, các đại biểu nắm sát hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước ở địa phương, sát với thực tế cơ sở; có thêm nhiều thông tin để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.

Nhìn chung, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện đúng theo chương trình đã đề ra, thực hiện đúng nghị quyết chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội. Nội dung giám sát không dàn trải mà chỉ tập trung một số vấn đề trọng tâm, bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua giám sát, các ĐBQH đã tích cực góp ý trong tác quản lý, điều hành; đồng thời, thẳng thắn nêu lên những giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cử tri tại địa phương.

Thưa bà, trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ?

- Xác định tính chất quan trọng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH của tỉnh đã dành nhiều thời gian trong việc thu thập thông tin, nghiên cứu tình hình thực tế ở địa phương, của đất nước để tham gia bàn bạc, thảo luận và tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Cụ thể như vấn đề phòng, chống tham nhũng và vi phạm pháp luật; chống buôn lậu, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giáo dục - đào tạo; quy hoạch, đầu tư trong tổng thể liên kết vùng để phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long... Quan trọng là các ý kiến, kiến nghị của ĐBQH tỉnh đều được Quốc hội, Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.

Còn công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện ra sao, thưa bà ?

- Trên cơ sở các quy định của pháp luật và thực hiện Quy chế phối hợp tiếp công dân của UBND tỉnh ban hành, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH của tỉnh đã tích cực tham gia trong công tác tiếp dân, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Cụ thể, tổ chức tiếp công dân định kỳ với 38 cuộc, tiếp thường xuyên tại trụ sở cơ quan, trụ sở tiếp công dân của tỉnh 194 lượt; tiếp nhận 459 đơn của công dân (chủ yếu gửi qua đường bưu điện).

Các đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: tranh chấp đất đai, chế độ chính sách, yêu cầu xem xét lại các bản án, quyết định và khiếu nại việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự... Qua đó, các ĐBQH, Đoàn ĐBQH đã tích cực yêu cầu, đôn đốc các ngành, các cấp xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần từng bước hạn chế tình trạng đùn đẩy, kéo dài, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân và cấp có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Riêng hoạt động tiếp xúc cử tri đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa bà ?

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND, UBND địa phương, tổ chức cho các ĐBQH trong Đoàn gặp gỡ, tiếp xúc cử tri với 149 cuộc, có 25.940 lượt cử tri tham dự, ghi nhận 1.337 lượt ý kiến, kiến nghị. Ngoài ra, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên trong năm 2020, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Chín và thứ Mười, Quốc hội khóa XIV bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến đến cử tri tại 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 7.500 phiếu và ghi nhận 3.545 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và HĐND các cấp.

Nội dung kiến nghị của cử tri đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp hiệu quả để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ vốn để đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp; có chính sách bao tiêu sản phẩm và tìm đầu ra cho nông sản; bảo đảm chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội...

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 182 văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương (đạt 100%). Các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các bộ, ngành Trung ương và ngành chức năng địa phương đều được Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Báo Hậu Giang đăng tải qua chuyên mục “Đoàn ĐBQH trả lời kiến nghị cử tri”; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng trên chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”.

Thưa bà, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ mới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có đề xuất, kiến nghị gì ?

- Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành Trung ương cần tiếp tục cải tiến việc tiếp thu, trả lời các kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời hơn; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động trả lời chất vấn. Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục quan tâm, kịp thời chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Đoàn ĐBQH, các ĐBQH của tỉnh hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tại địa phương trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bà !

GIA NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>