Kỳ vọng một đạo luật hoàn chỉnh hơn trong quản lý nhà nước về đất đai

24/02/2023 | 06:52 GMT+7

Công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã, đang được thực hiện rộng rãi trong cả nước, ghi nhận nhiều góp ý tâm huyết, mong muốn đạo luật sửa đổi này sau khi ra đời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: ĐÌNH BẢO

Luật Đất đai là đạo luật về một vấn đề hết sức cơ bản, nền tảng cho sự phát triển, liên quan mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Luật Đất đai được coi là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai. Giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không những kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực đất đai mà còn góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sửa Luật Đất đai điều được chỉnh đại đa số các quan hệ phát sinh sẽ đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hóa chủ trương của Đảng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân hiện nay có rất nhiều điểm mới. Dự thảo đã thể chế hóa chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển và có nhiều nội dung mới.

Cụ thể là: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; đưa ra cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất...

Các chuyên gia cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất theo giá thị trường thì việc Nhà nước hay doanh nghiệp thỏa thuận cũng phải sát giá trị của đất. Mặt khác, chính sách, giải pháp đưa ra phải hướng tới nhu cầu thực về nhà ở, lành mạnh thị trường bất động sản, chống “thao túng”, “đầu cơ” thì phải công khai, minh bạch cơ chế.

Tuy nhiên, cũng phải thấy được mặt ưu điểm của việc tự thỏa thuận đã thúc đẩy việc thực hiện nhanh các dự án vừa qua, bởi vậy trong giai đoạn này nên có một điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo luật cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18.

Liên quan đến tài chính và giá đất, chuyên gia nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong dự thảo cần được bổ sung thêm.

Cụ thể, cần thể hiện rõ trong dự thảo luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18. Cụ thể, giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất; quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác; doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án đã được duyệt.

Chuyên gia so sánh với luật hiện hành thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều quy định cụ thể và khoa học hơn. Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 61) cơ bản giữ nguyên (bổ sung quy hoạch cấp tỉnh). Về nội dung quy hoạch sử dụng đất từng loại, nhất là với cấp tỉnh, huyện cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh (Điều 27 Luật Quy hoạch).

Trong dự thảo luật (Điều 60) đề cập đến mối quan hệ với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ cần thực hiện song hành theo nguyên tắc trên xuống, dưới lên, sang ngang như Nghị quyết 61/2022/QH15 về tháo gỡ khó khăn... và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án luật có phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức và mọi mặt chính trị, kinh tế - xã hội...

Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 có những mặt tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng việc sửa đổi luật lần này cũng là nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật sau 10 năm thực hiện để bám sát với thực tiễn hơn nữa; đồng thời chống được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để huy động các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội...

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>