Làm rõ nhiều kiến nghị của cử tri

19/12/2019 | 19:25 GMT+7

Thời gian qua, nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề liên kết vùng, gỡ khó cho ngành mía đường cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông được cấp có thẩm quyền giải trình thỏa đáng.

Cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền khảo sát lắp các gờ giảm tốc độ nhằm giảm bớt tai nạn giao thông khu vực đấu nối đường vào Trung tâm hành chính xã Hiệp Lợi và chợ Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy với Quốc lộ 1A.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Có chủ trương đầu tư các dự án mang tính liên vùng

Cử tri được biết hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các nhiệm vụ liên kết vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương còn phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ và thống nhất trong toàn vùng. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển của vùng.

Trên cơ sở đó, kiến nghị xây dựng cơ chế tài chính riêng cho khu vực ĐBSCL giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ đầu tư vào các hoạt động liên kết vùng từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi... trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, thủy lợi, năng lượng (sạch, tái tạo), tài nguyên nước, bảo quản, chế biến hàng nông sản, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và điều phối toàn vùng hiệu quả hơn.

Giải đáp kiến nghị trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai hai năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 18/6/2019, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước (vốn ODA) và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân.

Quyết tâm xây dựng một chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai, thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL.

Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực Trung ương, địa phương, ODA, FDI... với cam kết một khoản vốn khoảng 2 tỉ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 và dành riêng cho ĐBSCL để đầu tư các dự án mang tính liên vùng, đang là “điểm nghẽn” trong lĩnh vực giao thông vận tải, biến đổi khí hậu phù hợp vớ quy hoạch vùng được phê duyệt.

Hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ đang được các bộ, ngành cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai, thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đã phê duyệt Đề án phát triển mía đường

Cử tri cũng kiến nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường và nông dân vùng nguyên liệu đường Hậu Giang. Cụ thể có chủ trương dồn điền đổi thửa hình thành nhiều cánh đồng mía lớn, thành lập các hợp tác xã áp dụng được cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch mía để giảm chi phí sản xuất.

Thông tin về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết để thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường và nông dân vùng nguyên liệu đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 18/4/2018 và ban hành kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 4612/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 21/11/2018.

Theo đó, Bộ đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể về quy hoạch ngành mía đường, cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất đường, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành mía đường; về đảm bảo lợi ích cho người dân trồng mía...; giao các tổng cục, cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có mía đường căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai, thực hiện đạt hiệu quả.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, hình thành 95 cánh đồng mía lớn với diện tích 13.981ha, thành lập các hợp tác xã áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch mía để giảm chi phí sản xuất; phù hợp với Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020. Như tại vùng nguyên liệu của Tổng công ty mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) đã thành lập được 20 HTX dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa có hiệu quả.

Bộ cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp đi học tập các mô hình, các hợp tác xã trồng mía áp dụng thành công cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch mía; triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hiện hành, giúp nâng cao thu nhập người trồng mía, giảm bớt khó khăn cho ngành mía đường trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.

Bộ Giao thông Vận tải:

Đề nghị nhà đầu tư xem xét bổ sung thêm gờ giảm tốc

Cử tri xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết đường vào Trung tâm hành chính xã Hiệp Lợi và chợ Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy được đấu nối với Quốc lộ 1A thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, do chưa có hệ thống cảnh báo đối với khu vực đông dân cư và khu vực chợ theo quy định. Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam khảo sát lắp các gờ giảm tốc độ, lắp đặt các biển báo hoặc đèn tín hiệu nhằm giảm bớt tai nạn giao thông.

Trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã quan tâm, góp ý về lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân, Bộ Giao thông Vận tải thông tin đường vào Trung tâm hành chính xã Hiệp Lợi và chợ Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy được đấu nối với Quốc lộ 1A tại Km2097+195 là nút giao ngã ba được xây dựng từ năm 2008. Đoạn tuyến này thuộc Dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Năm 2018 đã được lắp đặt đèn chớp vàng cảnh báo giao thông tại Km2096+990 (bên phải) và tại Km2097+300 (bên trái), đồng thời lắp đặt đèn chiếu sáng, biển cảnh báo và sơn mỗi bên 1 cụm gờ giảm tốc, mũi tên chỉ hướng. Cục Quản lý đường bộ IV đã đi kiểm tra, khảo sát và đề nghị nhà đầu tư xem xét đầu tư bổ sung thêm mỗi đầu 2 cụm gờ giảm tốc theo quy định.

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>