Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Quy định phạm vi hoạt động cụ thể là cần thiết

09/11/2018 | 09:42 GMT+7

Thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9 (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang), đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội Phạm Thành Tâm phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Theo đó, bên cạnh bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, đại biểu Phạm Thành Tâm đã tham gia đóng góp, làm rõ một số nội dung để góp phần hoàn thiện đạo luật này.

Ông nhất trí như dự thảo luật đã trình và nhiều ý kiến phát biểu đối với Điều 3 về vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với Điều 18 về công bố, thông báo cấp độ an ninh hàng hải và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải, quy định Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải và thực hiện việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, việc quy định Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam công bố là chưa chặt chẽ.

Vì Bộ Tư lệnh sẽ hiểu đây là một cơ quan, trong khi đó tại khoản 7 Điều 10 quy định rất cụ thể Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam.

Nên đại biểu Phạm Thành Tâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉnh sửa lại là Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải và thực hiện việc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để phù hợp.

Tại khoản 1 Điều 11 (phạm vi hoạt động) quy định cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này. Tuy nhất trí với dự thảo của luật, nhưng trước những ý kiến còn lo ngại cũng như sợ bị chồng chéo, ông phát biểu để làm rõ thêm một số vấn đề.

Cụ thể, đại biểu Phạm Thành Tâm cho rằng, quy định cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam là kế thừa Pháp lệnh hiện hành, phù hợp với đặc điểm tình hình vùng biển Việt Nam. Quy định này bảo đảm thống nhất với Luật Hàng hải năm 2015, Luật Biển Việt Nam 2012 và các văn bản pháp luật liên quan.

Thực tế hiện nay, vùng biển Việt Nam có một số vùng chưa xác định được nội thủy, lãnh hải, nếu phân chia hoạt động quản lý cho từng lực lượng trên từng vùng biển như nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng bỏ trống vùng biển. Cần tuần tra, kiểm soát, tránh tạo khoảng trống về quản lý nhà nước dẫn tới bỏ lọt, bỏ sót tội phạm vi phạm trên biển. Trong khi đó, các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn bị hạn chế.

Mặt khác, trong 20 năm qua, được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tàu thuyền, phương tiện, vũ khí, kỹ thuật hiện đại cho cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng này có kinh nghiệm đi biển, hoạt động dài ngày trên biển, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với đó là thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trong vùng biển Việt Nam. Cho nên, việc quy định phạm vi hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển Việt Nam như dự thảo là cần thiết và phù hợp.

HỮU NGHỊ - GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>