Nhập các văn phòng giúp việc có thể không hiệu quả

30/10/2019 | 08:26 GMT+7

Đóng góp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị đối với xã loại 3 nên cho tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND.

Quang cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XVI.

Theo lãnh đạo Đoàn, chức năng, nhiệm vụ xã loại 1, loại 2, loại 3 tương đồng. “Xã loại 3, chúng ta tổ chức hợp ghép chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND thì chỉ còn một phó chủ tịch UBND xã thì rất khó giải quyết kịp thời công việc cho dân, vì vậy tăng phó chủ tịch UBND xã là phù hợp.

Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đối với xã loại 1 và 2, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nêu ý kiến thống nhất với dự thảo luật quy định có 2 phó chủ tịch UBND.

Quy định sửa đổi, bổ sung chính quyền địa phương ở phường, dự thảo luật quy định chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND, bà Nguyễn Thanh Thủy nhận định quy định như vậy rất phù hợp, nhưng mang tính xơ cứng.

Lý giải điều này, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nói hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đổi mới các mô hình hoạt động ở quận, phường; đã thí điểm không tổ chức HĐND ở một số đơn vị quận, phường, huyện rất thành công. Mới đây, thành phố Hà Nội cũng đang xin chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND phường.

“Như vậy, tôi đề nghị luật nên có quy định theo hướng chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương được thực hiện theo một trong hai mô hình sau đây: Một là, HĐND và UBND phường; hai là, Ủy ban hành chính phường. Có thể mở ngoặc “thí điểm”. Ngoài thành phố Hà Nội, sau này các tỉnh, thành khác có điều kiện cũng nên thí điểm”.

Về mô hình của Văn phòng giúp việc cho đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, tại phiên thảo luận dự thảo luật này, đại biểu thảo luận nhiều. Đoàn ĐBQH Hậu Giang tham gia ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như hiện nay, bởi vì văn phòng giúp việc hoạt động rất hiệu quả cho đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

“Nếu nhập cơ học tôi thấy không ổn, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Nếu mạnh dạn, nên xây dựng mô hình văn phòng giúp việc của chính quyền địa phương, không phải văn phòng riêng của đoàn ĐBQH, HĐND, UBND. Chúng ta xây dựng luôn một mô hình của văn phòng giúp việc là mô hình của chính quyền địa phương thì phù hợp hơn”, một ĐBQH tỉnh nói.

Thảo luận khoản 27 sửa đổi, bổ sung Điều 101, quy định đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác, nhiều đại biểu trao đổi: khi có đơn của đại biểu, kể cả đại biểu HĐND cũng như ĐBQH, cơ quan chức năng nên kiểm tra và rà soát có đúng vì lý do sức khỏe hay không.

Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, trong thực tế, có nhiều đại biểu khi làm nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, vì lý do gì đó, vi phạm pháp luật hay bị xử lý kỷ luật làm đơn xin thôi thì cũng nói thẳng luôn là vì bị kỷ luật hay không còn xứng đáng tư cách đại biểu nữa.

“Nếu vì lý do bị kỷ luật mà lại đưa vào đơn là vì lý do sức khỏe thì sai, đề nghị kiểm tra, rà soát; đại biểu không trung thực với Nhân dân là không được”, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nói thêm.

T.THỨC - H.NGHỊ ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>