Những kết quả nổi bật tại Kỳ họp thứ 6

07/12/2018 | 07:25 GMT+7

Sau hơn 22 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ và không ngừng đổi mới (từ ngày 22-10 đến ngày 20-11-2018), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành nội dung chương trình làm việc với những kết quả nổi bật.

Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

1. Công tác nhân sự

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

2. Xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là dịp để nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ trong nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016-2020. Qua báo cáo của các cơ quan hữu quan và thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các ngành, các cấp; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2018 và có những chuyển biến tích cực, toàn diện, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực trong nửa nhiệm kỳ qua. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra đến năm 2020.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau:

- Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó thể hiện rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019. Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề. Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 37-KL/HTW ngày 17/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đồng thời, yêu cầu thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020...

- Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

Năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.300 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỉ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 425.252 tỉ đồng.

Quốc hội cho phép sử dụng và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2017 số tiền 10.380 tỉ đồng kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để xử lý cho một số nhiệm vụ cần thiết; quyết định điều chỉnh, bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để thực hiện một số dự án quan trọng...

- Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019: Quốc hội thông qua tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỉ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỉ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương...

- Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020:

Quốc hội quyết định điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài từ 300.000 tỉ đồng lên tối đa 360.000 tỉ đồng; giảm tương ứng vốn vay trong nước; giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỉ đồng và ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2.000.000 tỉ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công. Cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm và được quyết định phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách địa phương…

Sau khi xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia; kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu cao nhất trong hai năm 2019-2020 để đạt và vượt các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020. Giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), trước mắt, chỉ đạo các bộ, ngành sớm có cơ chế giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) để thực hiện từ năm 2021.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>