Những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 5

27/07/2018 | 08:29 GMT+7

Bên cạnh công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, còn có các nội dung quan trọng như đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016...

Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực, trách nhiệm tham gia 23 lượt phát biểu ý kiến thảo luận, tranh luận. (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng), Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường).

Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nhờ đó đã đạt được những kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Năm 2017 thành công trên nhiều lĩnh vực, 12/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng thêm 3 chỉ tiêu so với số liệu báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Tình hình những tháng đầu năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt 7,38% là mức cao nhất trong 10 năm gần đây, tạo đà để thực hiện hoàn thành Kế hoạch năm 2018.

Quốc hội đã thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ và đề nghị quan tâm, tập trung hơn đến các vấn đề: nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm lành mạnh thị trường chứng khoán, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho nông dân, ngư dân, doanh nghiệp; quan tâm, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực xử lý vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, suối ở khu vực biên giới, vấn đề đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng.

Chính phủ, các bộ và cơ quan Trung ương đã thực hiện việc phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2018 đến các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 33,8% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách nhà nước theo dự toán. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế ngay từ đầu năm đã được đẩy mạnh, kịp phát hiện và kiến nghị về xử lý thu vào ngân sách nhà nước cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Song tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng khá chậm. Riêng vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, cuối tháng 4-2018 mới có 44/53 địa phương báo cáo phân bổ kế hoạch. Như vậy, sẽ tạo ra áp lực khá lớn trong giải ngân theo kế hoạch đề ra. Quốc hội giao Chính phủ sớm có biện pháp, chế tài mạnh hơn, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm, đặc biệt là người đứng đầu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển.

Về chất vấn và trả lời chất vấn

Kỳ họp thứ 5 đã có 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 160 phiếu chất vấn, với 227 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Trong thời gian 3 ngày chất vấn, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn (không quá 1 phút), bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề. Tổng cộng đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận (nhiều nhất từ trước đến nay).

Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị; đồng thời cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội tiếp tục giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>