Những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 5

03/08/2018 | 08:17 GMT+7

(Tiếp theo)

Về giám sát chuyên đề

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 5 đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, phân loại để chuyển đến bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm; tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện nghiêm, dứt điểm các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán...

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát thực hiện Nghị quyết với lộ trình cụ thể, báo cáo Quốc hội để thực hiện chức năng giám sát.

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Quốc hội đã nghe và cơ bản tán thành với Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội 63 Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5. Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công tác này đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ quan tâm thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri; lấy kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, Trưởng ngành; nghiên cứu tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri” để nâng cao chất lượng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này,...

Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019

Căn cứ tình hình thực tế hoạt động giám sát những năm qua và dự kiến tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; trên cơ sở tổng hợp kiến nghị, đề xuất của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016

Sau khi xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, quyết định: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỉ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỉ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỉ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP); nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm vay trong nước 197.165 tỉ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỉ đồng. Đồng thời Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV nhằm khái quát kết quả chủ yếu của kỳ họp. Đồng thời quyết định một số vấn đề: giao Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội; ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021; cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời quy định về xử lý một số vấn đề trong điều hành ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 như sau:

Quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017-2020: Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do cơ quan Trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương. Đối với trường hợp giấy phép khai thác tài nguyên nước do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách địa phương.

Phát hành 22.090 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. Chính phủ chỉ đạo xác định phương án trả lãi, báo cáo Quốc hội quyết định khi trình dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng và bảo toàn, phát triển quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>