Nông dân Hậu Giang: Kiến nghị tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp

19/04/2019 | 08:19 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có ý kiến với cử tri nông dân Hậu Giang về sản xuất nông nghiệp.

Tiêu thụ khóm ở Hậu Giang. Ảnh: T.THỨC

Nông nghiệp, nông dân còn gặp khó

Người dân Hậu Giang cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn và thách thức; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, cạnh tranh gay gắt, về tìm kiếm thị trường mới, quảng bá cho thương hiệu nông sản…

Với những vấn đề trên, bà con cho rằng cần tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp từ khâu chọn giống đến khâu liên kết tiêu thụ nông sản, không phát triển ồ ạt, dàn trải; cần khuyến khích sản xuất các loại nông sản chủ lực là thế mạnh của từng vùng, miền; làm tốt công tác chỉ dẫn địa lý cho nông sản và thí điểm chủ trương sàn giao dịch nông sản tại các thị trường mới để không quá lệ thuộc vào thị trường truyền thống như Trung Quốc.

Nhiều nông dân Hậu Giang cho rằng, dù đã có kinh nghiệm sản xuất từ bao đời nay nhưng vẫn không nhiều người làm giàu nhờ sản xuất nông nghiệp; có ít vùng chuyên canh nông sản trong cả nước cho thu nhập cao…

Nguyên nhân là do nông dân sản xuất chủ yếu tự phát, được đến đâu hay đến đấy, địa phương thì chưa chỉ đạo làm tốt công tác hoạch định, phát triển sản xuất dẫn đến việc làm ra nông sản đã khó nhưng tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn, vất vả hơn; chưa giải quyết tốt những vướng mắc trong tiêu thụ nông sản và những ràng buộc cụ thể giữa doanh nghiệp và nông dân.

Giải quyết tốt vấn đề trên, bà con cho rằng sẽ giúp đời sống nông dân khá giả hơn…

Nhiều giải pháp căn cơ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp, 5 năm qua, được sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự ủng hộ và phối hợp của các bộ, ngành liên quan, toàn ngành nông nghiệp đã quyết tâm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899 ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cụ thể toàn ngành và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm cơ cấu lại toàn diện ngành nông nghiệp. Đó là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuyên canh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất, phát triển hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bảo đảm tiêu thụ kịp thời và có lợi cho người sản xuất…

Chi tiết cơ cấu lại toàn diện ngành nông nghiệp có thể thấy ở các nội dung tập trung vào công tác quy hoạch ngành, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các quy hoạch mới và rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 7 vùng kinh tế sinh thái, các vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, cũng đã xây dựng, rà soát và điều chỉnh các quy hoạch ngành hàng: lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, mía đường, rau quả, thủy sản, lâm nghiệp… Trong đó, xác định rõ những vùng sản xuất tập trung, sản phẩm, ngành hàng có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền.

Hiện nay, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Như lúa gạo (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long); chè (trung du miền núi phía Bắc và ở tỉnh Lâm Đồng), cà phê, cao su (Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ…); hồ tiêu (Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ…); điều (Đông Nam bộ); rau quả, cá tra, tôm (đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung…); rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (miền Trung, Tây Nguyên)…

 

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>