Nông dân Hậu Giang: Kiến nghị tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp

26/04/2019 | 08:34 GMT+7

(Tiếp theo)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có ý kiến với cử tri nông dân Hậu Giang về sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Hậu Giang thăm vườn sầu riêng.

Nhiều giải pháp căn cơ

Tích cực nghiên cứu xây dựng, ban hành và đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm an toàn như Nghị định 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ…

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân; đã rà soát, ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm; ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất như: cải tạo giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng, phổ biến và hỗ trợ cho người dân ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến (tái canh cây lâu năm, tưới tiết kiệm nước…)…

Đẩy mạnh công tác khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ và đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và có tính bền vững, giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm tổn thất trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản…

Thúc đẩy đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh liên kết để tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng.

Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và tổ chức theo Luật Hợp tác xã năm 2012 tăng nhiều. Đến nay đã có 13.400 hợp tác xã và 39 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 55% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Số lượng hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cũng tăng lên từ dưới 10% lên hơn 20%. Năm 2018, Bộ đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 461 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đến năm 2020…

Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản: Đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường song song với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu; mở rộng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” có giá trị gia tăng cao. Như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), thị trường Úc (vải, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), thị trường Nhật Bản (thanh long, thịt gà)…

Nhờ vậy, xuất khẩu nông sản Việt Nam có đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, năm 2018 đạt khoảng 40,02 tỉ USD, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó 6 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê, đồ gỗ, gạo) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD.

Ngoài ra, để phát triển phương thức mua bán minh bạch, hiện đại, tiện lợi, giúp quản trị được những rủi ro trong thương mại và giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại hàng nông sản Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Chính phủ “Đề án đổi mới mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”, xây dựng các cơ chế chính sách để quản lý và hỗ trợ thực hiện thí điểm sàn giao dịch điện tử hàng nông sản.

Về việc người dân khó làm giàu từ nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với phản ánh của cử tri Hậu Giang về việc người dân khó làm giàu từ sản xuất nông nghiệp do chủ yếu sản xuất tự phát; công tác quy hoạch, phát triển sản xuất chưa tốt dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ghi nhận, tiếp tục rà soát điều chỉnh và chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ và đột phá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể là tại Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020 (Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017), trong đó sẽ tập trung các giải pháp về hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh vào quy hoạch của các địa phương (theo Luật Quy hoạch).

Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới một cách có hiệu quả như trên.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>