Tăng cường quản lý, kiểm soát mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

22/03/2019 | 09:09 GMT+7

Trong các lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cử tri nêu thực trạng công tác quản lý, sử dụng phân bón vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Từ đó, đề nghị đại biểu có tiếng nói với ngành chức năng chấn chỉnh, đưa hoạt động này đi vào nề nếp.

Cán bộ Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật ở 1 cơ sở.

Cụ thể, cử tri nêu ý kiến cơ quan chức năng thiếu các giải pháp và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ dẫn đến sử dụng nhiều phân bón vô cơ làm mất cân bằng sinh thái, đất bạc màu. Theo thống kê, số lượng, chủng loại phân bón vô cơ đang sản xuất, buôn bán, sử dụng trong nước gấp hơn 19 lần so phân bón hữu cơ.

Song song đó là đề nghị Nhà nước tăng cường quản lý, có biện pháp kiên quyết xử lý đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi gia súc sử dụng chất cấm. Có biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao ý thức nông dân về quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp nhận ý kiến của cử tri Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải trình khá chi tiết.

Về công tác quản lý và sử dụng phân bón, Bộ này thông tin, ngay sau khi nhận nhiệm vụ là đầu mối quản lý phân bón theo Nghị định số 15/2017, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017 về quản lý phân bón thay thế Nghị định 202/2013. Trong đó, Chính phủ giao trách nhiệm quản lý phân bón cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó đến nay, công tác này có chuyển biến tích cực.

Cho đến nay, hành lang pháp lý về quản lý phân bón đã cơ bản hoàn thiện với 2 nghị định là Nghị định số 108/2017 về quản lý phân bón và Nghị định số 55/2018 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Ngày 19-11-2018, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt, trong đó quy định quản lý phân bón theo phương thức “tiền kiểm” và “hậu kiểm”: kiểm soát chặt chẽ phân bón ở tất cả các khâu từ công nhận lưu hành, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo và sử dụng phân.

Việc khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đã được quy định tại Nghị định số 108/2017 và Luật Trồng trọt.

Nhằm thúc đẩy phát triển phân bón hữu cơ hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch triển khai hành động, mục tiêu, giải pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam để đưa nội dung phát triển phân bón hữu cơ vào Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới của Trung ương Hội Nông dân nhằm đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ cả trên quy mô nông hộ - khai thác nguồn phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, phát triển phân bón hữu cơ công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 nâng sản lượng thực tế về sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong nước lên 3 triệu tấn/năm.

Một số giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện thời gian qua, từ tuyên truyền, vận động cam kết đến tạo điều kiện về thủ tục hành chính khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ. Đến nay, số lượng phân bón hữu cơ tăng hơn gấp đôi so năm 2017 (tăng từ 750 lên 1.769 sản phẩm, tỷ lệ trong cơ cấu sản phẩm tăng từ 7,5% lên 8,6%). Theo đó số lượng phân bón hữu cơ hiện nay gần bằng 1/10 số lượng phân bón vô cơ.

Đối với chất cấm trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm và chỉ đạo sát việc kiểm soát thông qua thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Chính vì vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, các đợt lấy mẫu kiểm tra Beta-Agronist, chất Vàng O trong thức ăn chăn nuôi (TACN) trên thị trường và các mẫu nước tiểu gia súc tại các trang trại chăn nuôi do cơ quan chuyên ngành và thanh tra của Trung ương, địa phương đều không phát hiện vi phạm.

Như vậy, việc sử dụng chất cấm nói chung và chất Salbutamol nói riêng trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt nhờ việc kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý.

Để kiểm soát các chất nhóm Beta-Agronist, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2018 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, TACN, thủy sản (Điều 14), trong đó, tăng mức phạt vi phạm sử dụng chất cấm lên đến 160 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, 200 triệu đồng đối với hành vi sản xuất và kinh doanh chất cấm. Ngoài ra, Bộ luật  Hình sự hiện hành còn quy định về vi phạm hình sự đối với việc cố tình sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm thu lợi bất chính.

Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn về quản lý chất cấm trong chăn nuôi: Thông tư số 57 ngày 07/11/2012 quy định về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist trong chăn nuôi; Thông tư 28/2014 ngày 04/9/2014 quy định về Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong TACN gia súc, gia cầm tại Việt Nam; Thông tư số 01/2016/ ngày 15/02/2016 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 57/2012 quy định về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist trong chăn nuôi.

Mặc dù đã có những văn bản quy phạm về quản lý Salbutamol trong chăn nuôi, tuy nhiên, chất này vẫn được sử dụng trong y tế để kiểm soát một số bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế cần kiểm soát việc nhập khẩu, lưu hành và sử dụng Salbutamol đúng mục đích nhằm tránh việc lạm dụng chất này trong chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan (Công an, Công thương, Y tế) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ kiểm soát thành công việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Để nâng cao ý thức cho người nông dân về quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Bộ có ý kiến như sau:

Bộ đã xây dựng Bộ tài liệu về chương trình, nội dung các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để thống nhất thực hiện trên toàn quốc theo quy định tại Điều 76 Thông tư 21/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8/6/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các quy định liên quan đến công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Hàng năm, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương đối với các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả. Đồng thời tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các mô hình mẫu trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) để hướng dẫn nông dân sử dụng.

Phối hợp với các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương và xử lý nghiêm hành vi vi phạm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định.

Đổi mới phương thức trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong tất cả các khâu hoạt động từ đăng ký, kinh doanh, buôn bán, xuất - nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển đến tiêu hủy thuốc và bao gói sau sử dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và việc quảng cáo, hướng dẫn sử dụng sai quy định của đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Kiện toàn tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra, đào tạo, tập huấn chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý thuốc bảo vệ thực vật từ Trung ương đến địa phương.

Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về quản lý về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc.

Phạt 86 triệu đồng vi phạm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện Quyết định thanh tra số 227 ngày 29/11/2018 của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang về việc thanh, kiểm tra quản lý nhà nước về các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, mới đây, Đoàn thanh tra có báo cáo về công tác này.

Theo đó, trong quá trình thanh, kiểm tra, Đoàn phát hiện 1 trường hợp kinh doanh phân bón hết hạn sử dụng, 33 trường hợp vi phạm về sử dụng phương tiện đo nhóm 2 là cân đồng hồ lò xo đã hết hiệu lực kiểm định. Đoàn cũng bốc mẫu để kiểm tra chất lượng 36 mẫu (23 mẫu phân bón, 13 mẫu thuốc bảo vệ thực vật). Kết quả, có 11 mẫu thuốc bảo vệ thực vật đạt chất lượng, 2 mẫu giả về chất lượng; 18 mẫu phân bón đạt chất lượng, 4 mẫu kém chất lượng, 1 mẫu giả về chất lượng.

Ông Lê Thanh Triều, Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trên cơ sở các hành vi vi phạm, đơn vị chức năng ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền trên 86,3 triệu đồng. Đoàn thanh tra cũng đã tham mưu Giám đốc Sở chuyển 3 hồ sơ giả về chất lượng đề nghị Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truy xuất nguồn gốc các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

 

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>