Thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của luật về Chính phủ, chính quyền

14/06/2019 | 07:46 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nêu lý do giữ quy định luật hiện hành về số phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đóng góp dự thảo luật tại hội trường Quốc hội.

Bà Nguyễn Thanh Thủy phát biểu không đồng ý dự thảo luật do Chính phủ trình chọn phương án giảm một phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh và giảm một phó chuyên trách các ban của HĐND cấp tỉnh.

Nêu lý do, Phó Trưởng đoàn nói Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương; cơ quan dân cử địa phương hoạt động rất hiệu lực, hiệu quả. Từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, HĐND cấp tỉnh, thường trực HĐND cũng như là các ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Trong khi đó, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp theo bà Nguyễn Thanh Thủy là đang từng bước được củng cố, tăng cường, đang phát huy tốt nên đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành. Thực hiện theo luật hiện hành thì không tăng biên chế như trong tờ trình của Chính phủ đã báo cáo. “Trước đây, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII chúng ta cũng bàn rất kỹ về tổ chức, biên chế như thế nào, không tăng biên chế mà chủ yếu tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động đối với HĐND các cấp và đối với đại biểu chuyên trách. Tôi đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành”, bà Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.

Về số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại 1, 2, 3, luật hiện hành quy định xã loại 1 có không quá 2 phó chủ tịch UBND, xã loại 2 và 3 chỉ có một phó chủ tịch. Khi thực hiện như vậy, đối với xã loại 2, 3 sẽ gặp khó trong điều hành, đặc biệt là giải quyết các vấn đề tại địa phương, yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và những công việc cần thiết khác. Do vậy, bà Nguyễn Thanh Thủy thống nhất theo tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng thêm một chức danh phó chủ tịch UBND đối với xã loại 2.

“Về nguyên tắc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh được bầu theo tổng số dân của đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại điểm a, b khoản 1 Điều 18 có điều chỉnh số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu theo hướng giảm khoảng 10 đại biểu so với luật hiện hành. Riêng vấn đề này, tôi thống nhất theo tờ trình của Chính phủ”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thanh Thủy bàn thêm, thực hiện như trên nghĩa là chất lượng hoạt động của HĐND các cấp không tùy thuộc vào số lượng đại biểu mà do chúng ta chọn lựa người bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả chứ không phải vì số đông. Vì nếu đông mà không tinh, đa số chỉ kiêm nhiệm thì hoạt động chỉ mang tính hình thức.

Cụ thể, đại biểu này thống nhất giảm số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh: đối với tỉnh có trên 1 triệu dân trở lên, cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu như dự thảo luật trình là phù hợp, giảm 10 đại biểu so luật hiện hành.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình Quốc hội lần này giữ điểm a khoản 1 Điều 18 quy định đối với những tỉnh miền núi có 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, trước đây, quy định vậy là phù hợp, nhưng hiện nay theo tổng điều tra dân số các tỉnh đã tăng.

Thông tin chi tiết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói Tổng điều tra dân số năm 2009 thì chỉ có 2 tỉnh số dân dưới 500.000 đó là Bắc Kạn và Lai Châu, nhưng đến thời điểm này có lẽ đã tăng trên 500.000 dân. “Do đó, quy định như vậy không phù hợp. Theo tôi, chỉ nên quy định như điểm b khoản 1 Điều 18 là phù hợp đối với những tỉnh dưới 1 triệu dân thì được bầu 50 đại biểu. Như vậy, dự thảo luật cũng gọn, rõ ràng, dễ thực hiện trong chỉ đạo bầu cử các cấp”, bà Nguyễn Thanh Thủy phân tích.

T.THỨC - H.NGHỊ ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>