Tích hợp chính sách về dân tộc góp phần không để ai bị bỏ lại phía sau

19/09/2019 | 18:55 GMT+7

Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 lĩnh vực dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ cho biết rất quan tâm nghiên cứu đề xuất chương trình mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong thời gian tới có tính dài hạn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN

Theo đó, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2026, định hướng 2030 (Đề án). Sẽ trình Quốc hội vào tháng 10-2019 để thực hiện từ 2021.

 “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trên cơ sở phân tích thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đánh giá kết quả thực hiện chính sách đầu tư trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, Đề án đưa ra những mục tiêu, phương hướng và giải pháp đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi theo những quan điểm cụ thể.

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đầu tư cho phát triển bền vững đi liền với xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phát huy cao độ nội lực của vùng, đi đôi với gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương. Huy động mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế trong vùng, thu hút các nguồn lực từ các vùng khác và các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả. Trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định.

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phải coi trọng giữ vững ổn định chính trị, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, gắn với xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đối với các nước có chung đường biên giới.

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là hệ thống sông suối đầu nguồn, hệ sinh thái động, thực vật, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học.

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS có trọng tâm, trọng điểm; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quan trọng, ý chí tự lực tự cường của người dân là quyết định.

Tích hợp chính sách

Đề án đề xuất những nội dung đổi mới trong tiếp cận xây dựng chính sách như tổng kết, đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập của tiêu chí phân định vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo trình độ phát triển, tiếp cận với cách phân định mới.

Tổng rà soát, đổi mới chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức đến công tác ở vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức cử tuyển, đào tạo dự bị đại học đối với học sinh DTTS, mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú. Đổi mới cách tiếp cận về tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người DTTS. Đổi mới nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

Nhằm giảm tình trạng nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách đầu tư ở vùng DTTS; nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, Đề án dự kiến đề xuất tích hợp các chính sách theo các nhóm chính sách tập trung vào các lĩnh vực. Như đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; y tế, dân số và chăm sóc sức khỏe; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội cấp huyện, cấp xã và thôn, bản vùng DTTS; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; trồng rừng, bảo vệ rừng; khởi nghiệp kinh doanh; tín dụng; tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS.

Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ có kết quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của đồng bào DTTS, góp phần đạt được đa mục tiêu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước.

Chính phủ đề nghị Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2026, định hướng 2030; giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội; 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết thực hiện đề án, khẳng định kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>