Tiêu thụ mía, đường, nông sản: Bộ Công thương thông tin chi tiết

29/03/2019 | 05:08 GMT+7

Cuối năm 2018, cử tri Hậu Giang nêu ý kiến về bao tiêu mía đảm bảo cho nông dân có lời trong trồng loại cây này; yêu cầu tạm hoãn nhập khẩu đường; đồng thời, lập các sàn giao dịch nông sản ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá, tiêu thụ nông sản... Tiếp thu ý kiến, Bộ Công thương có những thông tin cụ thể.

Giá đường thấp, doanh nghiệp sản xuất và nông dân trồng mía đều gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá chung, tổng nhu cầu đường hàng năm trong giai đoạn 2011-2018 dao động ở mức 1,3-1,5 triệu tấn (cho cả sản xuất và tiêu dùng), tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011-2018 là 3%, chủ yếu do nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến sử dụng đường tăng, tốc độ tăng trung bình là 6,1%. Nguồn cung cấp đường để phục vụ tiêu dùng và sản xuất chủ yếu là từ nguồn cung đường chế biến, sản xuất trong nước, nguồn đường nhập khẩu chiếm chưa đến 10% tổng nhu cầu sử dụng đường.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và nỗ lực để đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng đường, sản xuất đường trong nước hiện nay về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng tốc độ đổi mới của ngành sản xuất mía đường còn chậm, ngành còn có nhiều yếu kém, bất cập về giống mía, đường, năng suất... dẫn đến giá thành cao, hệ thống phân phối đường cũng còn nhiều bất cập, sức cạnh tranh của ngành đường Việt Nam còn yếu so với khu vực và thế giới, nhất là so với Thái Lan.

Giá thành cao hơn so với giá đường nhập khẩu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mặc dù phải trả cho quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan (HNTQ) nhập khẩu đường, nộp 5% thuế nhập khẩu, 5% thuế VAT và các chi phí liên quan để đưa đường nhập khẩu về kho như chi phí vận chuyển, bốc dỡ... để nhập khẩu đường nhưng các doanh nghiệp vẫn tham gia các phiên đấu giá HNTQ nhập khẩu đường.

Để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong tiến trình hội nhập, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân trồng mía, Bộ Công thương đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đồng ý tạm dừng thực hiện cam kết xóa bỏ HNTQ mặt hàng đường trong ASEAN đến hết ngày 31-12-2019.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tình thế, giúp ngành mía đường có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc cơ cấu lại, tự nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi mở cửa thị trường do theo các khung khổ cam kết đã ký và sắp thực hiện thì Việt Nam không thể áp dụng các biện pháp hạn ngạch hoặc cấm nhập khẩu được, chỉ có thể dùng công cụ là hàng rào thuế quan - mặc dù công cụ này cũng sẽ phải giảm theo lộ trình với các cam kết hội nhập.

Đối với việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất đường thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018 của Chính phủ (trước đây là Nghị định số 187/2013). Theo đó, đường không phải là mặt hàng cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất và thương nhân khi kinh doanh tạm nhập, tái xuất đường phải được cấp giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Năm 2018, Bộ Công thương không cấp phép cho doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất đường. Đồng thời, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn việc xuất khẩu mặt hàng đường qua các địa điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai để tạo điều kiện xuất khẩu đường sản xuất trong nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất đường trong tiêu thụ đường sản xuất trong nước.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản... là chủ trương chung, nhất quán của Chính phủ, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác của Bộ Công thương.

Việc lập các sàn giao dịch nông sản tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, về mặt pháp lý và các quy định quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc doanh nghiệp Việt Nam hay cá nhân Việt Nam đăng ký mở sàn giao dịch thương mại điện tử ở nước ngoài hoặc sàn giao dịch nông sản ở nước ngoài không phải xin cấp phép ở Việt Nam. Việc đăng ký, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch nông sản ở nước ngoài được thực hiện theo các quy định pháp luật liên quan của nước sở tại.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong nước không có đủ nguồn lực hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển thương mại điện tử ở nước ngoài (thương mại điện tử xuyên biên giới) thì việc tự xây dựng, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch nông sản ở nước ngoài là khá phức tạp, đòi hỏi nguồn lực và vốn đầu tư lớn.

Để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu nông sản ra các thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, ngoài việc tổ chức nhiều buổi đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp các tỉnh, địa phương phát triển thương mại điện tử, Bộ Công thương đã xây dựng một số chương trình, đề án hợp tác với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ở nước ngoài. Đồng thời, hướng dẫn trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu trên nền tảng các chương trình, đề án đã hợp tác.

Việc phát triển hàng xuất khẩu Việt Nam ở nước ngoài một mặt tạo nguồn thu cho doanh nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, mặt khác, góp phần vào việc quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam ở nước ngoài.

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>