Trả lời kiến nghị của cử tri

10/02/2023 | 10:58 GMT+7

Cử tri kiến nghị

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa môn lịch sử vào môn thì bắt buộc đối với kỳ thi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, nếu môn học lịch sử là môn thi tự chọn thì học sinh thường sẽ ít chọn, vì môn lịch sử tương đối khó và kết quả điểm thi thường không cao. Vì vậy, môn lịch sử phải là môn thi bắt buộc để trang bị cho học sinh về kiến thức lịch sử của dân tộc.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Cây Dương, huyện Phụng Hiệp trong giờ học lịch sử. Ảnh: CAO OANH

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trả lời

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân để thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng: năm 2017 là 43%, 2018 là 48%, 2019 là 53%, 2020 là 55,38%, 2021 là 55,38% và năm 2022 là 55,53%. Điều này chứng tỏ học sinh ngày càng quan tâm đến các môn khoa học xã hội, trong đó có môn lịch sử.

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 03/8/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 13/2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó quy định môn lịch sử từ môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp trong nhóm khoa học xã hội thành môn học bắt buộc.

Cử tri kiến nghị

Theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã hết hiệu lực, nhưng thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn rất nhiều gia đình người có công với cách mạng có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa được xem xét hỗ trợ. Kiến nghị xem xét có quy định mới về chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này.

Bộ Xây dựng trả lời

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14.

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/02/2022).

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bố vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Ngày 09/12/2022, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 224/BCTĐ-BTP thẩm định hồ sơ dự thảo Quyết định.

Trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định kèm theo Tờ trình số 61/TTr-BXD ngày 19/12/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện trong giai đoạn tới.

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>