Trả lời kiến nghị của cử tri

02/02/2018 | 08:12 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Cử tri phản ánh, hệ thống các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc còn phân tán, trực thuộc nhiều bộ, ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo; việc dạy nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội; nhiều nơi cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện giảng dạy, học tập cũ kỹ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên không đảm bảo chất lượng, làm cho chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Kiến nghị bộ, ngành liên quan cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho hợp lý; rà soát nhu cầu đào tạo nghề của Nhân dân, nhu cầu về lao động theo ngành nghề của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ cho hoạt động đào tạo nghề, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Cử tri kiến nghị bộ, ngành liên quan rà soát nhu cầu về lao động theo ngành nghề của các doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

a. Về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

Ngày 30/11/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4823/LĐTBXH-TCDN hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bao gồm công lập và ngoài công lập) thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc với các bộ, ngành và địa phương về việc rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đầu tư và hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định số 143 ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để từ đó có giải pháp về giải thể, sáp nhập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không bảo đảm các điều kiện theo quy định hoặc hoạt động không hiệu quả.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của dự thảo Quyết định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là xây dựng và ban hành các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở đó sẽ tổ chức rà soát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các chuẩn. Đến nay, dự thảo quyết định đang được gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Nhân dân, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý III năm 2017.

b. Về đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ ngày 01/01/2017 tại Nghị quyết số 76 của Chính phủ. Do đó, để cải thiện chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tiến trình hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế, thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

+ Đổi mới cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo từ tách biệt giữa lý thuyết và thực hành sang chương trình đào tạo theo mô đun được tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.

+ Việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo được xuất phát từ thực tiễn sản xuất, dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ năng nghề hoặc chuẩn năng lực thực hiện theo phương pháp phát triển chương trình tiên tiến của thế giới, gắn với vị trí làm việc của người lao động hoặc dựa vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo, tăng thời gian thực tập tại doanh nghiệp: Các cơ sở dạy nghề đã huy động các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, ngân hàng đề thi tốt nghiệp, tham gia vào quá trình tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả đầu ra.

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các trường thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp; bộ phận này ngoài việc kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho người học tốt nghiệp, còn tiếp nhận những nguyện vọng yêu cầu của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm cần thiết... để đưa vào chương trình đào tạo cho phù hợp.

- Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp: Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được phép chủ động xây dựng chương trình đào tạo cho cơ sở mình dựa trên quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tiếp cận với Khung trình độ khu vực ASEAN và quốc tế nhằm đảm bảo giáo dục nghề nghiệp chuyển mạnh đào tạo theo hướng chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo việc làm và việc làm bền vững. Các trường cũng được phép tùy chọn phương thức tổ chức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với điều kiện và năng lực của cơ sở mình.

- Để tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực ASEAN và thế giới, đã lựa chọn áp dụng chương trình đào tạo của các nước phát triển phù hợp với Việt Nam để chuyển giao đồng bộ về tiêu chuẩn năng lực; chương trình; tài liệu học tập, giảng dạy; công cụ đánh giá kết quả học tập; danh mục máy móc, thiết bị. Đến nay, đã chuyển giao được 12 bộ chương trình của 12 nghề cấp độ quốc tế từ Úc (hiện đang tổ chức đào tạo thí điểm tại 25 trường cao đẳng cho 41 lớp với 888 sinh viên) và đang thực hiện chuyển giao 22 bộ chương trình từ Đức để đưa vào thí điểm đào tạo tại các trường cao đẳng theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 371 ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

c. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2015 ngày 14/9/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định quy định rõ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thể hiện tính đặc thù của những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp góp phần thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 29/12/2016, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (trước đây là Tổng cục Dạy nghề) đã có Công văn số 2283/TCDN-PCTT gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; đồng thời thông tin kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>