Trả lời kiến nghị của cử tri

09/02/2018 | 08:32 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

“Có ý kiến cử tri cho rằng, tổ chức bộ máy và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong một số lĩnh vực (ví dụ như tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp) còn quá cồng kềnh trong khi hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với chi phí ngân sách phục vụ cho bộ máy. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, hiệu quả hơn nữa trong việc tinh giản bộ máy và biên chế, đặc biệt là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp”.

Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ trong quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi.

Bộ Nội vụ trả lời:

Tại Kết luận số 102 ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng, Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Nghị quyết số 39) và Quyết định số 2218 ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39 đã chỉ đạo: “Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”. Theo đó, đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang rà soát các nhiệm vụ giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là hội) hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện, trên cơ sở đó xác định kinh phí để khoán hoặc hỗ trợ cho các hội tương ứng với khối lượng thực hiện nhiệm vụ được giao thay cho việc giao biên chế như hiện nay.

Cử tri kiến nghị:

Thời gian gần đây, giá sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như: thịt lợn hơi, giá gà, dưa hấu, chuối liên tục giảm mạnh, nông dân không thể trụ vững trước “cơn bão” giảm giá này nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì ngành chăn nuôi ở nước ta ngày đi xuống gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, thu nhập của người dân không ổn định ảnh hưởng đến cuộc sống, cử tri mong muốn các ngành chức năng có giải pháp, chính sách kịp thời giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ trong quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi để đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn tránh để xảy ra tình trạng tự phát tràn lan kéo theo nhiều hệ lụy như: gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường; giá bán sụt giảm, chất lượng sản phẩm kém không đủ sức cạnh tranh,... và đặc biệt là cả bộ máy phải lao vào giải cứu nông sản như vừa qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời:

Xu thế trong những năm gần đây, số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ giảm dần nhưng cơ bản vẫn là phân tán, nhỏ lẻ, tận dụng và thiếu tính hệ thống, phát triển chăn nuôi chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp; sản phẩm chăn nuôi có sức cạnh tranh kém, giá thành cao trong khi đó sản xuất thiếu tính liên kết; ngoài ra giá cả thị trường biến động làm cho chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ thường bấp bênh, dễ thua lỗ. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua đối với chăn nuôi lợn Bộ NN&PTNT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản phối hợp với địa phương chỉ đạo tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi (Văn bản số 11205 ngày 29/12/2016, Văn bản số 1426 ngày 16/02/2017, Văn bản 3511 ngày 27/4/2017, Văn bản 657 ngày 9/5/2017); đồng thời tham mưu trình Chính phủ Văn bản số 3046 ngày 12/4/2017 một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi, từ đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 597 ngày 28/4/2017 chỉ đạo các bộ, ngành; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp hỗ trợ và siết chặt công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất; yêu cầu các doanh nghiệp có năng lực, điều kiện, các tổ chức, hội, đoàn cùng tham gia hỗ trợ cho ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, tuy vẫn còn khó khăn nhưng tình hình phát triển chăn nuôi, giá cả thị trường đã ổn định trở lại.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có sự tham gia của các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước phát triển và người chăn nuôi yên tâm đầu tư, đảm bảo hiệu quả và lợi ích của người chăn nuôi, cụ thể:

- Rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch và phát triển ngành chăn nuôi tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo định hướng thị trường và phù hợp với tình hình mới.

- Rà soát, sửa đổi và mở rộng đối tượng áp dụng chính sách trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, diêm nghiệp, lâm nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 62/2013 ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung của Nghị định số 210/2013 ngày 19/12/2013 của Chính phủ (cơ chế trong nghị định này khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, tập trung công nghiệp, sản xuất sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao).

- Tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu toàn diện ngành để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững; rà soát Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi và Kế hoạch hành động đến năm 2020 nhằm điều chỉnh quan điểm, định hướng mới, bổ sung một số nội dung phù hợp với thực trạng sản xuất và tình hình mới hiện nay. Chỉ đạo tổ chức lại sản xuất như việc xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội... sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm đến mức thấp nhất khâu trung gian.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>