Trả lời kiến nghị của cử tri

02/03/2018 | 08:05 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời:

Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản như:

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên hàng năm ở các địa phương trong tỉnh.

Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 (Quyết định 1690 ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020) đưa ra các định hướng về công tác bảo vệ nguồn lợi: nhân rộng các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng, ban hành cơ chế chính sách quản lý phù hợp; thực hiện việc thả các giống thủy sản đảm bảo chất lượng ra biển và các thủy vực nội địa theo mùa vụ để phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý khai thác nội địa, quản lý khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, chống đánh bắt bất hợp pháp, hủy diệt nguồn lợi;

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định số 899 ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững) về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng tập trung khuyến khích phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản;

Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 (Quyết định số 188 ngày 13/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020); Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 1479 ngày 13/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020); Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 742 ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt hệ thống quy hoạch khu bảo tồn biển đến năm 2020); Đề án bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2020 (Quyết định số 485 ngày 2/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020).

Các chương trình, đề án, quy hoạch nêu trên đều tập trung vào các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Một trong số các giải pháp ưu tiên là nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân chủ yếu sống dựa vào khai thác nguồn lợi vùng ven bờ; chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản, bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng ngư dân làm nghề khai thác thủy sản.

Vì vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản được tăng cường, nhận thức của cộng đồng dân cư ngày một chuyển biến, việc sử dụng các biện pháp đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như xung điện, chất nổ, chất độc cũng như các hình thức sử dụng ngư cụ trái phép trong khai thác thủy sản đang từng bước được ngăn chặn. Nguồn lợi thủy sản được tái tạo và phục hồi thông qua các hình thức thành lập các khu bảo tồn; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.

Để tiếp tục thực hiện các quyết định, văn bản trên, Bộ NN&PTNT đã, đang và sẽ triển khai một số giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài, cụ thể như sau:

Thứ nhất, rà soát, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản như: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn tài chính, sử dụng và đưa Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam đi vào hoạt động. Trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, từng bước điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề khai thác như: giảm số lượng tàu lưới kéo và gia tăng số lượng tàu của nghề chụp mực, lưới vây và nghề câu cá ngừ; giảm tỷ trọng các loại nghề khai thác hải sản tầng đáy; tăng tỷ trọng các loại nghề khai thác cá nổi nhỏ; tăng sản lượng khai thác đối với các nhóm đối tượng: mực, cá nổi nhỏ, cá ngừ; duy trì sản lượng khai thác đối với loài cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to; giảm sản lượng khai thác với nhóm cá tầng đáy đối với nghề lưới kéo đáy.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thiết lập, xác định vùng cấm, thời gian cấm khai thác thủy sản và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; điều tra nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nội đồng; kiện toàn và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển, 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa; Quy hoạch và xác lập cơ chế quản lý các khu bảo vệ nguồn giống thủy sản nhằm duy trì và phục hồi các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

- Xây dựng và triển khai các dự án phục hồi các hệ sinh thái đặc thù như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm phục hồi nguồn lợi và bảo vệ các hệ sinh thái.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý các hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa, thu hút các nguồn lực khác nhau tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thứ năm, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ khai thác thủy sản có chọn lọc, giảm thiểu tổn thất sau khai thác, thu hoạch, tăng tỷ trọng các mặt hàng thủy sản có giá trị gia tăng; ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý... vào quản lý, kiểm soát khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh; nghiên cứu, lưu giữ và tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế; loài bản địa; loài quý, hiếm; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở nghiên cứu khoa học.

Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động, giáo dục đến người dân để thấy được vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức các đợt tuyên truyền tập trung vào các đợt cao điểm như tháng bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, kiện toàn lực lượng kiểm ngư từ trung ương đến địa phương; đầu tư xây dựng lực lượng hiện đại, tinh nhuệ, thực thi pháp luật trên biển một cách hiệu quả, giảm đánh bắt bất hợp pháp ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>