Trả lời kiến nghị của cử tri

06/07/2018 | 09:11 GMT+7

Cử tri kiến nghị làm tốt công tác dự báo thị trường, tránh tình trạng ứ thừa rớt giá sản phẩm phải “giải cứu”.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri kiến nghị Chính phủ quy hoạch lại ngành chăn nuôi, trồng trọt theo vùng miền cho sát thực tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường, định hướng cho nông dân sản xuất tránh tình trạng “trồng - chặt” theo phong trào hoặc ứ thừa rớt giá phải “giải cứu” như hiện nay.

Đối với chăn nuôi, cần có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để khắc phục khó khăn trước mắt; triển khai có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giống vật nuôi và chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Cử tri kiến nghị Nhà nước có chính sách, giải quyết để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn cụ thể như: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

1. Đối với kiến nghị quy hoạch lại ngành chăn nuôi, trồng trọt theo vùng miền sát thực tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường, định hướng cho nông dân sản xuất tránh tình trạng “trồng - chặt” theo phong trào hoặc ứ thừa rớt giá phải “giải cứu”; chính sách hỗ trợ ngưòi chăn nuôi để khắc phục khó khăn trước mắt; triển khai có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giống vật nuôi và chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020:

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành rà soát các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu để điều chỉnh, bổ sung hoặc lập mới phù hợp hơn với lợi thế, tiềm năng của các địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.

Từ năm 2014-2017, đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và lập mới 24 quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ cơ cấu lại ngành; hiện nay, đang rà soát điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012) để phục vụ cơ cấu lại ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở quy hoạch, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và chuyển mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Để tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch từng ngành hàng, sản phẩm để tích hợp chung vào các quy hoạch kinh tế - xã hội quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên cơ sở đó, đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong và ngoài nước) để xây dựng các đề án tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp; tổ chức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Về chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để khắc phục khó khăn trước mắt, triển khai có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giống vật nuôi và chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020: Năm 2017 là một năm khó khăn của ngành chăn nuôi, đặc biệt là với ngành hàng thịt lợn, tuy nhiên, với sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ ngành, các địa phương, nhất là các doanh nghiệp, hiệp hội và người chăn nuôi thì những khó khăn đã được kiểm soát nhanh, tránh được những biến động lớn để từng bước ổn định và phát triển.

Để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chăn nuôi, ngoài các chính sách theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ sản xuất chăn nuôi cho nông dân thông qua các chính sách:

(i) Hỗ trợ hộ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường (theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020);

(ii) Trong trường hợp hộ chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh sẽ được hỗ trợ giống hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất (theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ).

Tuy nhiên, về dài hạn sẽ giảm dần các hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo lộ trình hợp lý, tăng các hỗ trợ gián tiếp. Đồng thời, sẽ bổ sung các biện pháp và điều kiện để người dân nhận thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay có động lực vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>