Trả lời kiến nghị của cử tri

13/07/2018 | 06:21 GMT+7

(Tiếp theo)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

2. Về kiến nghị Nhà nước có chính sách, giải quyết để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn cụ thể như: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.

Cử tri kiến nghị thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp.

- Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (dự kiến Chính phủ ban hành trong quý I/2018).

- Về chính sách bảo hiểm nông nghiệp: Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất định hướng tiếp tục triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới.

Hiện nay, Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đã được xây dựng hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để triển khai thực hiện (Tờ trình số 159/TTr-BTC ngày 30/10/2017), trong đó quy định cụ thể các nội dung thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp như:

Các quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, tái bảo hiểm nông nghiệp, bồi thường, giải quyết tranh chấp và trách nhiệm của các bên trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp,... nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp;

Nguyên tắc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và các quy định cụ thể thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm quy định các tiêu chí làm căn cứ để Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể khi triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong từng thời kỳ như mức hỗ trợ, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ tập trung vào các sản phẩm trọng điểm, chủ yếu của ngành nông nghiệp, rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, cơ chế phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, cơ chế chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp, cơ chế quản lý kinh phí hỗ trợ và một số quy định đặc thù trong thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đối với các đối tượng được hỗ trợ...

Sau khi chính sách về bảo hiểm nông nghiệp được Chính phủ ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để hướng dẫn triển khai thực hiện, sớm đưa chính sách bảo hiểm nông nghiệp vào cuộc sống, là một trong những giải pháp hữu ích góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới: Ngày 15/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2017/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, trong đó quy định cụ thể chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản (dự kiến trình Chính phủ trong quý I/2018).

Cử tri kiến nghị:

Đề nghị có chủ trương hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ, người trực tiếp phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân của thương binh, bệnh binh để bảo đảm công bằng hơn so với chính sách đối với hộ nghèo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

Mỗi chính sách có một tiêu chí khác nhau để xác định đối tượng. Chính sách giảm nghèo xác định đối tượng thụ hưởng theo số nhân khẩu trong hộ, tức là có thể cha mẹ được hưởng chính sách nhưng con lại không được hưởng nếu con không ở cùng hộ với cha mẹ. Còn chính sách ưu đãi người có công xác định đối tượng thụ hưởng theo công lao đóng góp và theo quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.

Cụ thể nếu một người hy sinh, được công nhận liệt sĩ thì những thân nhân (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con) đều được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, không phân biệt có ở cùng hộ hay không. Vì vậy, không thể lấy tiêu chí của chính sách giảm nghèo để áp dụng đối với đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công và ngược lại.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 2/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính; Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng đã bao gồm người trực tiếp phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống tại gia đình;

Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Quy định như trên cơ bản đảm bảo công bằng, cân đối trong chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói riêng và các chính sách xã hội nói chung, phù hợp theo công lao đóng góp của từng diện đối tượng.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>