Trả lời kiến nghị của cử tri

31/08/2018 | 07:47 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Cử tri phản ánh dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường thuộc phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ đến vòng xuyến vào trung tâm thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện và đã thi công được một đoạn, nhưng hiện nay tạm dừng thi công do hết vốn. Cử tri kiến nghị bố trí 167 tỉ đồng cho dự án này từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai hoàn thành dự án.

Bộ Giao thông Vận tải trả lời:

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 61B đoạn ngã ba Vĩnh Tường - thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (tên dự án trước đây - PV) đã được khởi công từ tháng 8-2014 với tổng mức đầu tư 267 tỉ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Do nguồn vốn bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải hạn chế nên việc cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa đủ để hoàn thành dự án.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tổng hợp nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án (khoảng 167 tỉ đồng) làm cơ sở kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí kế hoạch vốn hàng năm để sớm hoàn thành đầu tư đoạn tuyến nêu trên.

Cử tri kiến nghị:

Theo quy định hiện hành, Huân chương Độc lập cấp cho Mẹ Việt Nam anh hùng không có tiền thưởng kèm theo. Cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định Huân chương Độc lập cấp cho Mẹ Việt Nam anh hùng kèm theo tiền thưởng như được cấp cho các đối tượng khác.

Bộ Nội vụ trả lời:

Việc tặng thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chủ yếu để tặng cho cha, mẹ đẻ của các liệt sĩ (trong đó có “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”). Các bà mẹ được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã được hưởng các chế độ, chính sách và khoản tiền theo quy định của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Cử tri kiến nghị:

Ngày 12-9-2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản tại khoản 1, Điều 15 quy định “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại khoản 3 điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản)”.

Dự kiến “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 11-2018.

Quy định trên gặp nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, khó xác định được hành vi. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 15 cụ thể như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản và việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản cũng bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình xây dựng dự thảo “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” để thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ. Theo đó, kiến nghị của cử tri về hành vi “sử dụng kích điện để khai thác thủy sản tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng” đã được nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung vào dự thảo nghị định.

Sau khi gửi dự thảo Nghị định xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương về nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp, nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp và dễ áp dụng trong việc xác định hành vi vi phạm để xử lý vi phạm hành chính. Dự kiến “Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản” sẽ trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 11-2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>