Trả lời kiến nghị của cử tri

05/04/2019 | 08:46 GMT+7

Cử tri Hậu Giang kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quan tâm giải quyết vấn đề về chính sách cho người có công và điều chỉnh bất cập trong Luật Quản lý thuế và được hai Bộ trả lời cụ thể.

Phát tiền chính sách cho gia đình có công ở tỉnh.

Cử tri kiến nghị:

Bổ sung đối tượng là quân nhân phục viên, xuất ngũ từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia sau ngày 30-4-1975 vào đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

- Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và tổng thể chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách ưu đãi người có công nói riêng, đề xuất của cử tri Hậu Giang về việc bổ sung các đối tượng là lực lượng quân nhân tham gia các thời kỳ kháng chiến của đất nước là chưa thật sự khả thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng hoặc bổ sung chính sách trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, lịch sử và phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội đất nước.

Cử tri kiến nghị:

Hiện nay, đối tượng là người có công với cách mạng tham gia kháng chiến có tỷ lệ thương tật dưới 21% chỉ được hưởng trợ cấp một lần mà không được hưởng bất cứ chế độ gì khác. Kiến nghị xem xét mở rộng diện hưởng trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng là người tham gia kháng chiến có tỷ lệ thương tật từ 15% đến dưới 21%, không nên cào bằng một mức là dưới 21%. Bởi vì, thực tế tỷ lệ thương tật từ 15% trở lên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống rất khó khăn, nhưng không được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

- Trợ cấp ưu đãi người có công được xây dựng căn cứ vào mức độ đóng góp, hy sinh của từng diện đối tượng, phù hợp với khả năng ngân sách của đất nước trong từng thời kỳ và cân đối trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội nói chung. Trên cơ sở đó, chính sách hiện hành chia ra nhóm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng và nhóm đối tượng hưởng trợ cấp một lần.

+ Đối với người có công: Nhóm hưởng trợ cấp hàng tháng là thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.

+ Đối với các đối tượng xã hội khác: Nhóm hưởng trợ cấp hàng tháng là người khuyết tật bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28 ngày 10/4/2012 của Chính phủ; người bị tai nạn lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức khởi điểm được hưởng trợ cấp hàng tháng của thương binh đã thuộc diện thấp nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội nói chung và trợ cấp ưu đãi người có công nói riêng. Việc xem xét, giảm tỷ lệ thương tật trong xếp hạng thương binh để giải quyết trợ cấp hàng tháng phải đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tương quan với tổng thể chính sách xã hội hiện hành.

Cử tri kiến nghị:

- Bộ Tài chính sớm có chủ trương ban hành thông tư thay thế Thông tư số 156 ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vì, hiện nay Luật Quản lý thuế, nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành và có hiệu lực pháp luật.

Bộ Tài chính xin trả lời:

- Hiện nay, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Sau khi Luật Quản thuế được ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn theo quy định về luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>