Trách nhiệm cao, thông qua nhiều nội dung quan trọng

21/06/2019 | 07:58 GMT+7

Sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ (từ ngày 20-5 đến 14-6-2019), Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, báo cáo với cử tri huyện Châu Thành về kết quả kỳ họp thứ bảy.

Theo đó, kỳ họp đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự thảo luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; phê chuẩn nhân sự.

Trong đó, các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy, quản lý công vụ, công chức, quan hệ lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tăng cường nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (điều chỉnh 8 dự án của Chương trình năm 2019 và quyết định 18 dự án của Chương trình năm 2020).

Tại kỳ họp này, nhiều dự án luật được Quốc hội cho ý kiến như: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Dự án Luật Thư viện.

Về giám sát tối cao, kỳ họp thứ bảy giám sát nhiều vấn đề rất quan trọng; đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ trưởng: Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch…

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của Nhân dân.

Theo đó, các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề cử tri nêu; cung cấp thêm thông tin về các quy định của pháp luật có liên quan cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; tăng cường tổ chức hoạt động giải trình, giám sát, khảo sát chuyên đề đối với những vấn đề mới, nóng được cử tri, xã hội quan tâm; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong các báo cáo.

Kỳ họp này cũng thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 1 Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Tại kỳ họp, sau khi xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý nợ công, vốn đầu tư và bội chi ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

Nghị quyết kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV thông qua đã giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Tại kỳ họp thứ bảy, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực, trách nhiệm tham gia 31 lượt phát biểu (có 5 lượt ý kiến thảo luận đoàn, 17 lượt ý kiến thảo luận tổ, 9 ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận tại hội trường).

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh chấp hành tốt Nội quy kỳ họp và sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động tại kỳ họp. Từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình, phản ánh đúng thực tiễn kiến nghị của cử tri, góp phần hoàn chỉnh các báo cáo, luật, nghị quyết của Quốc hội.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>