Về các dự án, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

08/03/2019 | 08:20 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa có ý kiến về dự án sông Cái Lớn - Cái Bé ở đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề phát triển cây ăn quả bền vững ở Nam bộ.

Phát triển cây có múi ở huyện Long Mỹ.

Cẩn trọng triển khai dự án Cái Lớn - Cái Bé

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tổng diện tích đất tự nhiên 909.248ha, thuộc địa bàn 6 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ. Trong đó, hiệu quả trực tiếp của dự án giai đoạn 1 là 384.120ha, trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Đây là dự án mang tính liên vùng nhằm mục tiêu kiểm soát nguồn nước để hỗ trợ cho việc sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái tự nhiên mặn, ngọt, lợ mà không can thiệp làm thay đổi hiện trạng sản xuất của các vùng sinh thái này…

Dự án được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương cũng như Nhân dân trong vùng rất quan tâm; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 498 ngày 17/4/2017.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của dự án như: phạm vi ảnh hưởng lớn; khu vực đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, lún sụp đất và việc xây dựng các công trình thủy điện thượng nguồn sông Mekong. Ngoài ra, khu vực dự án còn chịu ảnh hưởng 2 chế độ thủy triều từ biển, bán nhật triều ở Biển Đông, tạo ra một khu vực giáp nước lớn tại trung tâm, gây khó khăn cho việc tiêu thoát và cấp nước...

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lập dự án cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, người dân, các đơn vị, tổ chức quan tâm. Bộ cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương vùng dự án.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, việc lập dự án đầu tư đã hoàn thành; Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua nhưng có yêu cầu chỉnh sửa; chủ đầu tư đã hoàn thiện và trình lại. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phê duyệt dự án, đồng thời triển khai thực hiện các bước tiếp theo để tổ chức thi công từ năm 2019, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2021.

Nhiều chính sách phát triển sản xuất hiệu quả cây có múi

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, để triển khai phát triển cây ăn quả bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2194/2009 về phê duyệt Đề án giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, hỗ trợ các địa phương, các đơn vị liên quan trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao giống cây trồng phục vụ sản xuất. Trong đó, có đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất cây giống cây có múi sạch bệnh theo quy trình nhà lưới 3 cấp tại các địa phương, vùng sản xuất tập trung.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 về định hướng cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm, trong đó có cây ăn quả có múi: đối với nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Để từng bước phát triển vùng sản xuất tập trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 1648/2018, phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ) đến năm 2020.

Trong đó có Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam bộ theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đổi mới phương thức tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với từng loại cây, cũng như cây ăn quả có múi.

Về phía Bộ, ông Lương Xuân Cường cho biết, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2819/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở vùng Nam bộ, giúp Bộ trưởng trong công tác chỉ đạo, phối hợp điều hành và quản lý thực hiện kế hoạch lịch thời vụ cây ăn quả.

Hàng năm, Bộ còn phê duyệt các đề tài chọn tạo giống mới, dự án khuyến nông trọng điểm, thanh tra, kiểm tra chất lượng nguồn giống cây trồng, trong đó có cây ăn quả có múi để từng bước quản lý nguồn giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất.

Theo Bộ này, đối với cây ăn quả có múi, để phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích. Đồng thời, chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt; xây dựng cơ cấu giống rải vụ; thâm canh và sản xuất an toàn, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển thị trường như thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tùy vào điều kiện thực tế mà ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển cây ăn quả có múi bền vững, gắn với đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ theo hướng ưu tiên các mô hình/vùng sản xuất tập trung/chuyên canh theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>