Cải thiện đời sống người dân

21/11/2017 | 08:49 GMT+7

Xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, đã có nhiều cố gắng trong việc hỗ trợ gia đình chính sách, giúp phát triển kinh tế, để đời sống người dân được cải thiện.

Bà Ánh miệt mài với nghề đan lục bình.

Đến thăm gia đình bà Trần Thị Huệ, ở ấp 10, vào một buổi trời mưa, tuy ngoài trời có lạnh nhưng không khí trong nhà khá ấm áp. Với bà Huệ, đây là ngôi nhà mong ước. Đang lui cui sắp xếp lại một số vật dụng trong nhà, bà Huệ bộc bạch: “Vợ chồng tôi vui mừng khôn tả xiết khi xây dựng được căn nhà, bây giờ mưa gió cũng không sợ bị sập hay dột như trước nữa. Nếu không có địa phương hỗ trợ, gia đình tôi không biết đến khi nào mới cất được nhà”.

Bà Huệ là con liệt sĩ, với hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nên địa phương đã hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng, phần còn lại do gia đình tự đóng góp để xây dựng nhà. Căn nhà khá khang trang, với diện tích gần 70m2, nền lát gạch, lợp tôn, có 2 phòng ngủ. Dự kiến, trong tuần này nhà sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có lẽ với gia đình bà Huệ, Tết Nguyên đán sắp tới là mùa xuân ngập tràn niềm vui khi được ở trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới. Từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ cho các gia đình chính sách xây mới 1 căn nhà, sửa chữa 4 căn, vận động xã hội hóa xây dựng thêm 2 căn khác. Trên địa bàn xã, hiện có hơn 300 gia đình chính sách, trong đó 129 hộ nhận trợ cấp thường xuyên với số tiền trên 200 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình chính sách, xã Vĩnh Viễn A còn chú trọng cải thiện đời sống người dân địa phương bằng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Xác định lục bình là một trong những loại thực vật có nhiều ở địa phương, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để đan đát. Do đó, xã đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp dạy đan lục bình góp phần cải thiện đời sống người dân. Từ đây, nhiều tổ hợp tác đan đát lục bình ra đời, giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động nông thôn, nhất là phụ nữ. Bà Trương Thị Ánh, một trong những người đầu tiên tham gia lớp đan đát lục bình, chia sẻ: “Tôi biết đan lục bình từ năm 2007 và duy trì công việc này cho đến hôm nay. Bây giờ, nếu người dân địa phương ai có nhu cầu hỗ trợ về cách đan đát thì tôi sẵn lòng”.

Chồng bà Ánh, ông Lê Văn Trong, cùng sự hỗ trợ của địa phương đã quyết tâm đi nhiều nơi để gầy dựng tổ hợp tác. Ông Trong là Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình ấp 8 và có khoảng 100 thành viên tham gia. Không chỉ những người dân trong vùng mà những người dân ở địa phương lân cận cũng góp mặt. Ông Trong tâm sự: “Cũng nhờ lục bình mà kinh tế, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Bình quân mỗi tháng tôi giao từ 4-5 đợt hàng cho công ty với số tiền khoảng 200 triệu đồng, riêng mỗi thành viên tham gia đan đát nhận được cũng tầm 1,5 triệu đồng/tháng”.

Sự chủ động trong mỗi người dân, sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm từ chính quyền địa phương đã giúp đời sống của người dân xã Vĩnh Viễn A ngày càng có nhiều khởi sắc. Hiện tại, xã còn 16,6% hộ nghèo, giảm 2,5% so với đầu năm. Ông Trần Thanh Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, nói: “Chúng tôi luôn cố gắng vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở có điều kiện ổn định cuộc sống. Phát triển và nhân rộng một số mô hình làm ăn có hiệu quả để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống người dân”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>