Cái tình của một doanh nghiệp

02/08/2018 | 08:58 GMT+7

Nhận nhiều người trung niên và người khuyết tật may túi xách, giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định, là việc làm đầy tình người của doanh nghiệp tư nhân Trân Chương.

Nhờ nghề may túi xách, nhiều người đã có thu nhập ổn định.

Đang ngồi may chiếc ba lô tại doanh nghiệp tư nhân Trân Chương ở phường IV, thành phố Vị Thanh, bà Trần Kim Oanh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm nay tôi 55 tuổi, đi làm công ty, xí nghiệp cũng không được do sức khỏe không đảm bảo, lại thêm lớn tuổi. Nhờ doanh nghiệp Trân Chương nhận vào làm mà cuộc sống của tôi được ổn định hơn. Bình quân mỗi ngày tôi cũng làm được 60.000 - 70.000 đồng. Tôi rất mừng vì công việc rất phù hợp với tuổi tác, lại cho thu nhập kha khá”. Bà Oanh sống có một mình, không ruộng nương, trước đây bà đi phụ việc nhà cho người ta, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do lớn tuổi nên bà không đủ sức khỏe để làm. Từ khi có nghề may túi xách bà có thêm khoản tiền kha khá, để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.

Thành lập hơn 2 năm nay, doanh nghiệp tư nhân Trân Chương ở phường IV, thành phố Vị Thanh, đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Theo chị Lý Ngọc Bảo Trân, chủ doanh nghiệp, ngay từ khi học đại học chị đã thích may mặc, khi đó chị đã tự tìm hiểu và đi học. Sau khi biết may, chị tự mình thiết kế nhiều mẫu ba lô, túi xách. “Lúc đầu, tôi vừa học vừa may, rồi một mình không thể làm xuể nên tôi bàn bạc với gia đình thành lập xưởng may ở quê nhà. Gia đình đồng ý, thế là tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân Trân Chương chuyên về ba lô, túi xách”, chị Trân chia sẻ.

Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Bản thân bị khuyết tật, đi lại khó khăn, hơn năm nay anh Nguyễn Văn Hoài, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, đã tìm được công việc phù hợp với bản thân. Anh Hoài cho biết: “Lúc đầu tôi cũng lo không biết học nghề xong có được nhận vào làm hay không, bởi bản thân bị khuyết tật. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tạo cơ hội để tôi vào làm. Hiện nay, mỗi ngày tôi cũng kiếm được 100.000 đồng từ công việc may túi xách. Nhờ vậy, cuộc sống cũng ổn định”.

Nghề may túi xách không quá vất vả nên mọi người chỉ cần khéo tay là làm được. Đặc biệt, nghề này hưởng lương theo sản phẩm, nếu ai khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều, do đó, mọi người ai nấy đều cố gắng. Để mọi người có thể tăng thêm thu nhập, chị Trân đã thiết kế nhiều mẫu ba lô, túi xách để giới thiệu với các công ty, doanh nghiệp. Với nhiều mẫu mã đa dạng, sản phẩm được thị trường tiêu thụ quanh năm, cứ vài ngày là xuất một chuyến hàng. Hiện nay, sản phẩm túi xách, ba lô không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây, mà còn xuất sang thị trường các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Singapore. Nhờ vậy, sản phẩm tiêu thụ quanh năm, không sợ hàng tồn đọng.

Hiện nay, doanh nghiệp có 7 thợ ráp chính, 1 thợ cắt, 1 thợ phụ. Hầu hết là người trung niên và khuyết tật. Ngoài ra, doanh nghiệp đang nhận thêm 5 người vào làm. Khi được hỏi sao nhiều doanh nghiệp e ngại nhận người lớn tuổi, người khuyết tật vào làm, bởi năng suất lao động có thể không cao, sao doanh nghiệp lại nhận, chị Trân vui vẻ trả lời: “Với những người trẻ có thể mọi người sẽ làm việc nhanh hơn, song nhìn những cô lớn tuổi, hay những người không may bị khuyết tật hăng say làm việc, rồi vui mừng khi từng cái ba lô, túi xách hoàn thiện, tôi thấy rằng ai cũng có thể làm được công việc này, chỉ cần mọi người cố gắng, khéo tay là được. Các cô, chú, các bạn nhân công ở đây cũng làm được việc lắm”.

Trò chuyện ít câu điện thoại chị lại vang lên, bởi khách hàng hỏi đã đủ sản phẩm giao chưa. Nhìn chị cùng mọi người hăng say làm việc, ai nấy đều tin rằng, nghề may túi xách sẽ tiếp tục phát triển, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>