Cần, kiệm vươn lên

03/05/2017 | 07:37 GMT+7

Nhờ siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Châu Thành A đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhờ nghề thu mua phế liệu, cha con anh Toàn có cuộc sống ổn định.

Trong căn nhà cấp 4, bà Nguyễn Thị Tư, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cẩn thận lau chùi từng viên gạch bóng loáng. Nhìn những vật dụng được sắp xếp ngăn nắp trong căn nhà mơ ước, bà Tư vui mừng cho biết: “Sau bao năm vất vả làm lụng, giờ mới được ở trong căn nhà vững chãi, thật mừng không sao kể xiết”. Hơn 40 năm trước, bà Tư kết duyên cùng ông Đặng Ngọc Hữu và được bên chồng cho 2 công đất vườn. Trên mảnh vườn ấy, ông bà trồng xoài cát Hòa Lộc, mỗi ngày ông Hữu chăm lo vườn tược, còn bà đi hớt tóc, làm móng dạo. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng gia đình nông dân này luôn tràn đầy niềm lạc quan vào cuộc sống. Hiện nay, do lớn tuổi nên bà Tư không làm móng, hớt tóc dạo nữa mà chuyển sang làm bong bóng cá ở Công ty Trí Hải, xã Thạnh Xuân. “Ông nhà tôi nói lớn tuổi rồi ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng đi làm riết rồi quen, không đi làm thấy buồn. Với lại, mình ở nông thôn có được đồng nào mừng đồng nấy, nên ráng mà làm”, bà Tư bộc bạch. Với công việc móc bong bóng cá, mỗi tuần bà Tư cũng kiếm được 700.000 đồng, khoản tiền này giúp gia đình chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Gia đình bà trồng xoài cát Hòa Lộc đã nhiều năm nay, mỗi năm cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tuy có tiền, nhưng ông bà luôn dè sẻn trong mọi chi tiêu, để tích cóp dành dụm tiền cất lại căn nhà. Từ nguồn lợi nhuận từ vườn xoài mang lại cộng thêm tính tiết kiệm, vợ chồng bà đã xây dựng được căn nhà vững chãi. Mỗi viên gạch, bức tường, tiện nghi sinh hoạt đều in dấu ấn cần kiệm của vợ chồng ông bà. “Theo tôi, bí quyết từ nghèo khó vươn lên ổn định cuộc sống của chúng tôi là sự nỗ lực vượt khó, chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm. Nhờ tiết kiệm mới được vầy, nếu ăn xài phung phí thì biết đến chừng nào mới thoát nghèo và có căn nhà vững chãi để ở”, bà Tư trải lòng.

Tương tự gia đình bà Tư, gia đình ông Võ Văn Sang, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, thoát nghèo nhờ chí thú làm ăn và khéo tiết kiệm, dành dụm. Xế chiều, anh Võ Văn Toàn, con trai ông Sang đi mua phế liệu về đến nhà với lỉnh kỉnh phế liệu chất đầy trên chiếc xe đẩy. Nhanh tay chất những “chiến lợi phẩm” vừa mua được xuống nhà, anh Toàn cho biết: “Hôm nay gặp mối quen mua được nhiều, cũng kiếm lời được 200.000 đồng”.

Theo lời anh Toàn, gia đình gắn bó với nghề thu mua phế liệu chưa đầy một năm, nhưng nhờ nghề này, cuộc sống gia đình được ổn định hơn. Anh Toàn kể, trước đây, anh đi làm ở tỉnh Bình Dương, cha anh thì ở nhà làm ruộng, nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau, cái nghèo mãi đeo bám. Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình quyết định thử sức với nghề thu mua phế liệu. Sau khi vay vốn ưu đãi 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, gia đình đã mua một chiếc xe thu mua phế liệu và mua tôn sắt về dựng căn nhà tiền chế để hành nghề.

Mỗi ngày chỉ hơn 5 giờ sáng, anh Toàn chịu khó len lỏi khắp các tuyến đường trong và ngoài xã để mua phế liệu, đến chiều muộn mới về nhà. Lúc đầu, có khi đi cả ngày anh Toàn cũng chẳng mua được bao nhiêu, anh cũng hơi nản. Nhờ tính vui vẻ, thiệt thà, anh nhanh chóng có nhiều “mối quen” và việc thu mua ngày càng thuận lợi. Điều đó, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng được tăng lên. “Sau khi mua phế liệu về, tôi và cha phân loại, sau đó mới bán lại cho các vựa thu mua ở thành phố Vị Thanh và thành phố Cần Thơ. Công việc dẫu vất vả nhưng bù lại cuộc sống ổn định, nên tôi cũng ráng mà làm”, anh Toàn chia sẻ.

Hiện nay, tuy gia đình đã hoàn trả vốn ngân hàng và thoát được cảnh nghèo, cuộc sống đã ổn định hơn trước nhưng cha con anh Toàn vẫn chăm chỉ lao động và chi tiêu hợp lý, quyết tâm không để tái nghèo. Anh Toàn cho biết: “Sinh ra trong cảnh nghèo, nên tôi hiểu giá trị của đồng tiền, do đó, cha con tôi luôn chi xài hợp lý, nếu không dẫu có tiền núi cũng lở. Sắp tới, tôi dự định dành dụm ít vốn, sau đó vay thêm tiền để mở rộng diện tích chứa phế liệu. Đồng thời, thu mua lại phế liệu của những người đi mua ve chai, để nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Cần, kiệm, chịu khó trong lao động sản xuất mà gia đình bà Tư, ông Sang đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định và ở huyện Châu Thành A còn rất nhiều trường hợp vươn lên như vậy. Được biết, trong năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành A giảm từ 10,57% vào đầu năm xuống còn 8,72%, tương đương 476 hộ thoát nghèo, là một trong những địa phương có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả của tỉnh.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>