Chăm lo đời sống hộ nghèo: Trách nhiệm chung

17/10/2017 | 07:59 GMT+7

Từ ngày thành lập đến nay, Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn, hộ nghèo còn khá cao, nhưng với quyết tâm của tỉnh, công tác chăm lo đời sống cho hộ nghèo luôn được chú trọng, huy động được đông đảo nguồn lực tham gia, để từ đây hộ nghèo vững tin giảm nghèo bền vững.

Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cùng nỗ lực của bản thân, đời sống kinh tế của gia đình chị Mãnh ngày càng ổn định.

Những năm qua, các ngành, các cấp luôn tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo cho người nghèo, tạo điều kiện để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Những nỗ lực đó đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Trước sự chăm lo này, những người nghèo cũng cố gắng vươn lên…

Vun đắp niềm tin cho hộ nghèo

Nhờ cần cù lao động, chí thú làm ăn, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế gia đình ông Huỳnh Văn Hùng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh ngày càng ổn định. Gia đình có 3 công đất trồng khóm, dẫu hai vợ chồng ông ra công chăm sóc, khóm đạt năng suất cao, nhưng do giá cả bấp bênh, cuộc sống vẫn cứ đắp đổi qua ngày, không có điều kiện để phát triển kinh tế. Nhằm tạo điều kiện để gia đình ông vươn lên, có cơ hội thoát nghèo, chính quyền địa phương đã xem xét, cho vay 12 triệu đồng không tính lãi suất (từ Dự án mô hình giảm nghèo), để đầu tư vào mô hình sản xuất. Từ số tiền vay được, vợ chồng ông đã mua gà về nuôi, hiện gà phát triển tốt. Bà Nguyễn Thị Nhỏ (vợ ông Hùng) chia sẻ: “Nhờ địa phương hỗ trợ nên chúng tôi mới có điều kiện chăn nuôi. Chỉ mong giá cả đầu ra ổn định, để kinh tế gia đình phát triển hơn”.

Hiện nay, ngoài nuôi gà, ông Hùng còn tham gia lớp nuôi cá và gia đình ông cũng được chọn làm nơi nuôi thí điểm. Theo ông Hùng, dẫu nuôi cá trê mới 3 tuần, nhưng tình hình tốt, phù hợp với nguồn nước và điều kiện ở địa phương. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, cách thức nuôi cá, ông Hùng dự định sau đợt nuôi thí điểm này, ông sẽ mua 10kg cá trê về nuôi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Theo tôi chỉ cần mình cố gắng làm lụng, cộng thêm giá cả thị trường ổn định, sẽ thoát được cảnh nghèo, cuộc sống sẽ ổn định và phát triển”, bà Nhỏ bộc bạch.

Cũng nhờ chí thú làm ăn mà gia đình chị Lê Thị Tuyết Mãnh, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp thoát được cảnh nghèo. Trẻ tuổi nên hai vợ chồng chị không ngại nắng mưa cực khổ đi bắt từng con ốc, kiếm từng cọng rau, hay đi giặm lúa mướn, làm quần quật bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa. Thế nhưng cái nghèo mãi bám víu, căn nhà lụp xụp cất bấy lâu cũng không có điều kiện để sửa lại. Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình chị vay tiền, xây dựng lại căn nhà, góp phần an cư lạc nghiệp. Ngồi trong căn nhà vững chãi, chị Mãnh nhớ lại: “Hồi trước mỗi khi trời mưa, ngồi trong nhà cũng chẳng khác mấy ngoài sân. Nay nhà cửa vững chãi, con cái học hành cũng thuận tiện hơn, không phải lo sợ mưa ướt tập sách như trước nữa. Vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm”. Trên địa bàn xã Hòa An có cơ sở giết mổ gia súc tập trung, anh Vũ - chồng chị xin vào làm công tại đó. Dẫu công việc có phần vất vả, nhưng cho thu nhập kha khá, nên anh cũng cố gắng làm, hy vọng kinh tế gia đình phát triển hơn. “Nhà nước đã tạo điều kiện thì mình phải cố gắng làm để thoát nghèo bền vững, nhường lại chế độ chăm lo cho những người già neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn hơn”, chị Mãnh chia sẻ.

Không riêng ông Hùng, chị Mãnh mà còn rất nhiều hộ nghèo khác từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với nghị lực vượt khó, họ đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2017. Mỗi hộ thoát nghèo, mỗi phần trăm tỷ lệ hộ nghèo giảm là cả quá trình nỗ lực của các cấp, các ngành và chứng minh cho công tác an sinh được làm tốt.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực tham mưu cùng cấp ủy đổi mới phương pháp để vận động các tổ chức, mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chăm lo giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã vận động quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh phúc lợi xã hội trên 194,6 tỉ đồng. Từ nguồn vận động này, đã tổ chức xây dựng, bàn giao hơn 300 căn nhà “Đại đoàn kết”, hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, giúp học sinh học tập, giúp phát triển sản xuất... Từ đó, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Song song đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ để hộ nghèo có thể thoát nghèo bền vững thông qua việc tặng “cần câu” thay vì tặng “con cá” như trước đây. Ông Lê Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Trong năm 2017, chúng tôi đã hỗ trợ 40 con bò giống cho đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, xây dựng mới 8 mái ấm nghĩa tình cho đảng viên gặp khó khăn về nhà ở, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách và hộ nghèo… Từ đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững mà thị xã Ngã Bảy đã đề ra”.

Nhờ chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức vận động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nên quỹ “Vì người nghèo” ngày càng được nâng cao về chất lượng và có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay số hộ nghèo toàn tỉnh còn khá cao, đây là nỗi trăn trở của cả hệ thống chính trị. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ngành, các cấp tăng cường các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn sẽ tăng cường công tác đối thoại và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, đồng thời tập trung vận động để có nguồn vốn hỗ trợ. Ngoài ra, phân công trách nhiệm cụ thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả, tránh chồng chéo và bỏ sót. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, nhất là sự hợp lực của các thành viên cá nhân của mặt trận các cấp...”.

Tháng cao điểm vì người nghèo

Tháng cao điểm vì người nghèo diễn ra từ ngày 17-10 đến ngày 18-11, với các hoạt động như phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Tháng cao điểm vì người nghèo. Đồng thời, phối hợp vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp, doanh nhân... ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” các cấp và chương trình an sinh xã hội. Ngoài ra, tuyên truyền từ nội bộ ra quần chúng nhân dân về vận động giúp đỡ người nghèo; tập trung nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình đóng góp quỹ “Vì người nghèo” các cấp; động viên, biểu dương các địa phương có nhiều cố gắng trong việc phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, xóa nhà tạm bợ cho các hộ nghèo…

 

Theo số liệu thống kê đầu năm 2017, toàn tỉnh có 24.059 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,48%. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Được biết, áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, qua điều tra, rà soát, đầu năm 2016 toàn tỉnh có 29.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9%.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>