Cố gắng lao động dù bị khuyết tật

13/07/2018 | 06:09 GMT+7

Dù mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng nhiều người khuyết tật đã nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Phùng luôn cố gắng trong lao động, để vươn lên ổn định cuộc sống.

Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 5 giờ sáng là ông Dương Thiện Phùng, ở phường V, thành phố Vị Thanh, lại đi bán vé số. Hơn mười năm qua, chiếc xe Honda ba bánh đã trở thành người bạn đồng hành cùng ông rong ruổi trên các ngả đường, để bán từng tờ vé số, bình quân mỗi ngày cũng bán được 100 tờ. Ông Phùng kể, lúc mới sinh ra ông cũng khỏe mạnh bình thường, nhưng vài năm sau, trong một lần bị sốt bại liệt, cơn sốt quái ác đó đã làm ông bị liệt chân trái và chịu cảnh sống tật nguyền suốt mấy mươi năm qua. Bị khiếm khuyết cơ thể, nhưng ông Phùng không đầu hàng số phận, ông luôn cố gắng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. “Bản thân bị tật nguyền, tôi luôn mặc cảm, sợ mọi người cười chê mình. Vì vậy, bản thân luôn cố gắng, nếu việc đó, người bình thường làm một lần, thì tôi có thể làm ba, bốn lần. Tôi sẽ cố gắng để tránh làm gánh nặng cho gia đình, xã hội”, ông Phùng trải lòng.

Dù tật nguyền nhưng ông Phùng vẫn làm được tất cả mọi việc của người bình thường từ giăng lưới, cắm câu, nấu ăn, giặt giũ… Không việc nào người bình thường làm được mà ông không thể làm. Cách đây 6 năm, cuộc đời của ông như bước sang trang mới, khi nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, một người con gái chịu thương chịu khó. Dẫu cuộc sống có nhiều khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê làm mướn, nhưng ông bà luôn cố gắng. Đến nay, vợ chồng ông đã có đứa con trai 3 tuổi. Mỗi ngày, ông đi bán vé số, còn bà Xuân buôn bán nước giải khát tại nhà, thu nhập cũng được vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, bà còn chăn nuôi gà, nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.

Hiện nay, ông Phùng được trợ cấp bảo trợ xã hội trên 400.000 đồng/tháng, những dịp lễ, tết ông còn được chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà. Những hành động đó đã tiếp thêm động lực để gia đình ông cố gắng vươn lên, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Từ một người khuyết tật, ông Phùng đã tự nuôi sống bản thân. Ông Phùng bộc bạch: “Trong cuộc sống, mình cần phải nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi tin rằng, với quyết tâm và ý chí, những người khuyết tật như tôi có thể tự nuôi sống mình và làm được những việc như bao người bình thường khác”.

Cũng như ông Phùng, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực, để vươn lên trong cuộc sống. Như trường hợp ông Lâm Thành Hải, người khuyết tật ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy. Tuy ông bị khuyết tật cả 2 chân, nhưng ngày ngày ông Hải vẫn đi bán vé số, để lo cho cuộc sống của gia đình. Ông Hải cho biết: “Bản thân bị tật nguyền, nếu tôi không cố gắng lao động, thì sẽ làm gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, tôi đi bán vé số, bình quân cũng được 70.000-80.000 đồng, nhờ đó, cuộc sống gia đình đỡ phần vất vả”.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng bằng nghị lực ông Phùng, ông Hải đã vươn lên để tự khẳng định bản thân, sống có ích cho gia đình, xã hội… Và còn rất nhiều người khuyết tật luôn cố gắng vươn lên, hòa nhập cuộc sống.

Ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 12.583 đối tượng người khuyết tật. Trong đó, có 3.518 người khuyết tật đặc biệt nặng, 7.715 người khuyết tật nặng và 1.350 người khuyết tật nhẹ. Dù mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng người khuyết tật nên cố gắng lao động, vì chỉ có lao động mới có thể giúp mọi người vươn lên, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội”.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>