Đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em

16/12/2019 | 07:26 GMT+7

Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với ông Võ Phú Cường (ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xoay quanh việc thực hiện mô hình.

Ông đánh giá như thế nào về việc chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh ?

- Việc chăm sóc, thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay vẫn còn một số khó khăn như nhận thức của cộng đồng về chăm sóc thay thế trẻ em còn hạn chế do hình thức chăm sóc này vẫn còn mới, cộng đồng chưa tham gia nhiều, việc nhận nuôi trẻ chủ yếu do người thân, họ hàng. Phần lớn trẻ em khi bị bỏ rơi hoặc không nơi nương tựa thì địa phương làm thủ tục đưa vào cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung (Nhà trẻ Mồ côi Hoa Mai Vị Thanh, Nhà trẻ Mồ côi Hoa Mai Cần Thơ). Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội còn thiếu các kiến thức, kỹ năng trong việc đánh giá trẻ em và gia đình nhận chăm sóc thay thế, kỹ năng giám sát đánh giá quá trình chăm sóc thay thế trẻ em tại các gia đình, chưa được đào tạo, tập huấn đầy đủ, chuyên nghiệp về công tác xã hội đối với trẻ em.

Nhà trẻ mồ côi Hoa Mai Vị Thanh đang nuôi dưỡng 46 trẻ mồ côi.

Mục tiêu chính mà mô hình hướng tới là gì thưa ông ?

- Mô hình được triển khai thực hiện ở xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) và xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp). Tại 2 đơn vị này, có trên 6.400 trẻ em. Trong đó, có 151 em có hoàn cảnh đặc biệt và 1.599 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Mục tiêu của mô hình là bảo đảm cho trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với dịch vụ chăm sóc thay thế. Nâng cao nhận thức của mọi người dân, các bậc cha mẹ về bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng. Cùng với đó, khuyến khích các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm đảm bảo trẻ em được chăm sóc và phát triển toàn diện.

Mô hình có những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông ?

- Trước hết là hoạt động truyền thông tư vấn về chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với việc chăm sóc thay thế, các thông tin, kiến thức về chăm sóc thay thế, quy trình chăm sóc thay thế, tuyên truyền khuyến khích các cá nhân, gia đình, tổ chức nhận chăm sóc thay thế trẻ. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với người dân tại cộng đồng, với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tư vấn cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế về các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em, đến chăm sóc thay thế cho trẻ em, các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai mô hình chăm sóc thay thế. Tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và tư vấn cho các cá nhân, gia đình về chăm sóc thay thế. Hỗ trợ trẻ em được nhận chăm sóc thay thế. Theo đó, cán bộ phụ trách công tác trẻ em cấp xã sẽ lập danh sách trẻ em có nhu cầu chăm sóc thay thế tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội, lập danh sách những trẻ em đang được chăm sóc thay thế bởi họ hàng, lập danh sách trẻ em cần nhận chăm sóc thay thế trong trường hợp khẩn cấp bao gồm trẻ bị bỏ rơi, trẻ em phải tách tạm thời khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, đánh giá tình trạng của trẻ em có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế và xác định nhu cầu cần trợ giúp cho trẻ em theo các dịch chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ trẻ em và trợ giúp pháp lý…

Để mô hình mang lại hiệu quả cao, ông có lưu ý như thế nào với các địa phương ?

- Đây là mô hình mới, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã. Trong thực hiện mô hình, các địa phương cần nắm sát đối tượng trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với dịch vụ chăm sóc thay thế. Trong thực hiện công tác bảo vệ trẻ em các địa phương cần kết hợp thực hiện xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em theo Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đầy đủ 25 quyền trẻ em mà Luật Trẻ em quy định. Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em là biện pháp cơ bản nhất đảm bảo quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>