Đậm đà hương vị bánh phồng mì

04/04/2019 | 08:51 GMT+7

Với nguyên liệu chính là khoai mì, đường, dừa và sữa... qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, những chiếc bánh phồng mì dân dã ngày nào, đã để lại hương vị ngọt ngào trong lòng nhiều thực khách khi được một lần nếm thử.

Những chiếc bánh phồng mì ở Vĩnh Viễn A, ngày nay không còn quanh quẩn ở chốn quê, mà đã trở thành món bánh ưa thích của nhiều người dân thành thị.

Những ngày cuối tháng 3 này, chúng tôi có dịp ghé thăm lại nơi có lẽ là duy nhất còn được nghe tiếng quết bánh phồng mì ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Là người có hơn 50 năm kinh nghiệm làm bánh phồng mì và hiện là chủ nhiệm mô hình làm bánh phồng mì truyền thống ở địa phương, bà Phạm Thị Nga nói: “Ngày xưa, do thời buổi khó khăn, nên lễ, tết mẹ tôi lại quết bánh phồng cho chị em tôi ăn, cũng nhờ vậy mà tôi học được nghề. Thông thường để làm bánh phồng, tôi phải dậy từ 1 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu, nhằm tranh thủ đến trời mờ sáng là có bột cán bánh. Nghề làm bánh phồng này, thấy vậy chứ vất vả lắm, ai yêu nghề mới có thể bám trụ được”.

Do bánh phồng được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì, nên được gọi là bánh phồng mì. Để cho ra lò một cái bánh phồng mì ngon, thì người làm phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Trước tiên, là chọn những củ khoai mì to, nhiều bột, sau đó khoai mì được lột sạch vỏ để hấp, đến khi chín loại bỏ phần xơ ở giữa. Tiếp theo phần khoai mì đã hấp chín sẽ được tán nhuyễn và nhồi kỹ, sau khi đã nhồi thành bột cho thêm dừa, sữa, nước cốt dừa… vào phần bột khoai mì. Để bột bánh mềm, mịn và bánh làm ngon hơn, phần bột sẽ được cho vào cối để quết.

Bà Nga chia sẻ: “Bột được quết trong cối đá, ngoài người quết phải đều tay, thì người trộn bột cũng phải nhanh nhẹn để đảo đều bột, có như vậy bột làm ra mới dẻo mịn và trắng tinh được. Đây được xem là khâu vất vả và quan trọng nhất của nghề làm bánh phồng mì. Sự hòa hợp của tất cả các nguyên liệu sẽ cho ra cái bánh phồng mì có độ ngọt của đường, độ béo ngậy của nước cốt dừa và đậm mùi thơm của sữa”. Theo bà Nga, ngày trước nơi đây hầu như nhà nào cũng có người biết làm bánh phồng, vì vậy, đa phần không ai làm bánh để bán. Tuy nhiên, để làm được cái bánh phồng thơm ngon rất công phu và vất vả, nên hầu hết ai cũng bỏ nghề, cũng vì thế hiện nghề làm bánh phồng đang dần mất đi thế hệ kế thừa. Để giữ gìn lại cái nghề truyền thống cho địa phương, trong năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Vĩnh Viễn A, đã vận động được 8 thành viên phụ nữ trên địa bàn và cho ra mắt mô hình làm bánh phồng mì truyền thống.

Nếu quết bánh được xem là khâu rất công phu, thì khâu cắt bột và cán bánh cũng đòi hỏi người làm phải thật quen tay, để cắt được những viên bột đều nhau, cho ra cái bánh tròn đều thật đẹp. Sau khi những cái bánh phồng mì thành hình, sẽ được đặt lên chiếu cho thẳng hàng, tranh thủ khi trời vừa hửng nắng để phơi. Chị Nguyễn Thị Bé Hiền, 41 tuổi, một trong những thành viên trong mô hình làm bánh phồng mì truyền thống, tâm sự: “Làm bánh phồng thấy đơn giản vậy, chứ một lần làm khoảng 4 người mới làm xuể. Do nhà không có nhiều người làm, nên thông thường lễ, tết hoặc có khách đặt bánh từ vài trăm đến cả thiên bánh gia đình tôi mới làm, chứ không làm bỏ mối lẻ hàng ngày như người ta. Thấy nghề làm bánh phồng này cũng cho thu nhập ổn định, hiện gia đình tôi cũng định đầu tư mua thêm máy móc để gắn bó lâu dài với nghề hơn”. Với mức giá 15.000 đồng/chục bánh, bánh phồng mì hiện không chỉ tiêu thụ ở địa phương, mà còn được nhiều gia đình chọn để làm quà biếu cho bà con, bạn bè mỗi dịp đi xa.

Bà Đoàn Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết: “Khi chúng tôi thành lập mô hình làm bánh phồng mì truyền thống, chủ yếu muốn tập hợp các chị em biết làm bánh để cố gắng gìn giữ lại cái nghề truyền thống cho địa phương. Theo đó, để hỗ trợ các thành viên trong mô hình tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, trong các hội nghị, kết nối khởi nghiệp… do tỉnh tổ chức, chúng tôi cũng liên hệ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm bánh phồng mì của địa phương đến các huyện, thị, thành bạn và các tỉnh bên ngoài”.

Cầm cái bánh phồng mì trên tay, thưởng thức một miếng, vị ngọt, vị béo cùng hòa quyện vào nhau làm cho chúng ta khó mà quên được cái hương vị đặc biệt của chiếc bánh quê dân dã. Những người làm bánh nơi đây, đã gửi cả tình cảm chân thành mộc mạc vào từng cái bánh, để nó có thể đi xa hơn và lưu giữ được nét đẹp quê hương.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>