Dân nhậu… trẻ hóa!

14/06/2018 | 10:45 GMT+7

Trong các bảng xếp hạng về giáo dục, về khoa học hay năng suất lao động, khó để thấy vị trí của Việt Nam ở thứ hạng cao; thế nhưng riêng về bảng xếp hạng các quốc gia uống rượu, bia nhiều nhất thế giới, Việt Nam lại thăng hạng đến chóng mặt.

Nhậu “bất cần thân thể, bất kể thời gian” đang trở thành thói quen của một số bạn trẻ.

Mới đây, tại hội thảo về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở Hà Nội, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 6 năm (từ 2010 - 2016), Việt Nam đã “thăng hạng” 30 bậc trong danh sách quốc gia uống nhiều rượu, bia nhất thế giới.

Rượu, bia là mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất về lượng tiêu thụ. Năm 2017, nước ta tiêu thụ hết 4 tỷ lít bia (tăng 1 tỷ lít so với năm 2013) và trung bình mỗi người uống 8,3 lít cồn/năm.
Với công bố này, không mấy người thấy bất ngờ hoặc ngạc nhiên bởi thực tế đã phản ánh tất cả. Chỉ cần bỏ ra vài buổi tối lòng vòng trên đường phố sẽ thấy quán nhậu có ở khắp nơi và nơi đâu cũng kín khách.

Trước đây, khách nhậu chủ yếu là dân lao động chân tay, chiều tan ca ghé quán bình dân lai rai vài chai, thì hiện nay dân nhậu là giới văn phòng chiếm đa số và đang ngày càng trẻ hóa.

Nhiều quán nhậu cứ sau 5 giờ chiều đã hết bàn, khách là những nam thanh nữ tú trong trang phục quần tây, áo sơ mi, váy đầm công sở chỉn chu, bên cạnh là thùng bia vơi dần theo từng tiếng cụng ly chan chát.

Có mặt tại một quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận), chúng tôi thấy hàng chục nhóm thanh niên đã ngồi từ sớm, họ không ngừng cụng ly. Một nam thanh niên chừng ngoài 20 tuổi giơ cao ly bia đầy tràn, tuyên bố: “Hôm nay thằng T. có chuyện không vui, anh em mình phải nhậu tới bến để chia buồn cùng nó. Thằng nào out (xỉn) trước, tối mai bao anh em một chầu”. Cả đám tán đồng, hân hoan vì cuộc nhậu hôm nay chưa tàn, hôm sau đã có độ mới. Họ ra sức ép nhau uống để nhanh chóng tìm ra “chủ chi” cho bữa nhậu ngày hôm sau.

Ngộ cái, giới trẻ Việt có muôn vàn lý do để nhậu: Nhậu vì mình buồn, bạn buồn; nhậu vì mình vui, bạn vui; nhậu vì những vụ cài độ; nhậu vì bỗng dưng thích nhậu; nhậu vì tiếp khách; thậm chí có những nhóm còn nhậu vì kinh tế đất nước được cải thiện, hay hôm nay thế giới có vẻ bình yên nên nhậu!

Chúng tôi từng chứng kiến, ở một đám cưới của người nước ngoài không đãi bia rượu, thế là chưa tàn tiệc, nhóm thanh niên hơn chục người kéo nhau ra ngoài nhậu. Hay một cậu trai mới 15 tuổi tuyên bố giữa bữa tiệc gia đình: “Mồi ngon phải có bia đồng hành” rồi uống cạn ly bia trên tay trước sự tán dương của đại gia đình. Ấy vậy nhưng mỗi khi có ai đề cập đến việc người trẻ nhậu, các bạn lại thản nhiên cho rằng: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” hay “rượu, bia chỉ là công cụ để giao tiếp” nhằm biện minh cho thú vui thiếu lành mạnh của mình.

Chuyện hạn chế rượu, bia được đề cập đến rất nhiều, các chuyên gia cũng đã vào cuộc để tìm ra giải pháp nhằm hạn chế việc sử dụng bia, rượu ở nước ta. Thế nhưng, dường như càng bàn thì lượng tiêu thụ rượu, bia càng tăng.

Trách được không khi mà ở các vị trí đẹp thu hút tầm nhìn thường là các biển quảng cáo rượu, bia; tại các siêu thị, rượu bia được đặt ở vị trí bắt mắt nhất; ở các cửa hàng tạp hóa, rượu bia luôn được chất cao ngất phía trước để tiện bán; ở ngoài đường, những hũ rượu hàng chục lít trên kệ luôn sẵn sàng…

Trách được không khi giá 1 lon bia cao gấp 1,5 lần hộp sữa; trách được không khi người lớn không làm gương, rượu, bia được sử dụng từ trong gia đình tới nơi công sở.

Chính phủ không ít lần đưa ra dự thảo về luật phòng, chống tác hại của rượu, bia để tiến tới ban hành luật về vấn đề này. Đã có hàng chục vụ tử vong do ngộ độc rượu, bia; hàng triệu người ngày càng tiều tụy, thân tàn ma dại, hay vô vàn những hệ lụy từ rượu, bia mà ra, nhưng ở đâu đó, người ta vẫn cân nhắc vì cái lợi trước mắt khi doanh thu loại sản phẩm này luôn là con số khủng.

Theo HẢI THU – SGGP Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>